19/04/2024 16:21

NHNN lý giải nguyên nhân khiến VND mất giá 4,9% từ đầu năm

Theo NHNN, áp lực từ sức mạnh đồng USD, chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu đã khiến VND mất giá mạnh.

Tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 , Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,9%. 

Giải thích về nguyên nhân tỷ giá tăng, ông Tú cho biết kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực. “Thậm chí lạm phát Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, khiến thị trường liên tục điều chỉnh dự báo”, ông nói.

“Việc đảo chiều kỳ vọng về Fed hạ lãi suất, gia tăng căng thẳng tại Trung Đông, cuộc xung đột Ukraine - Nga tiếp diễn khiến USD quốc tế tăng giá gần 5% chỉ trong hơn ba tháng”, Phó Thống đốc thông tin. 

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh rằng việc VND mất giá 4,9% không thể so sánh với việc USD tăng giá 5%. Bởi lẽ mức tăng của USD, ở đây là chỉ số USD Index, là mức tăng khi so sánh với rổ các đồng ngoại tệ mạnh. Nếu so sánh với con số này thì mức mất giá 4,9% của VND là rất thấp.

Chỉ số USD Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD đã mạnh lên nhanh chóng trong giai đoạn vừa qua. 

Thứ hai, Việt Nam đang giảm lãi suất trong bối cảnh cả thế giới tăng lãi suất. Một mặt, động thái này tạo điều kiện cho doanh nghiệp. cho tăng trưởng kinh tế và vẫn kiểm soát được lạm phát.

Tuy nhiên, quyết định này cũng có ảnh hưởng tới lãi suất ngoại tệ, đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng. Hiện lãi suất VND đang âm so với USD, tạo tâm lý cho bản thân ngân hàng thương mại và thị trường đẩy tỷ giá tăng lên.

“Lãi suất và tỷ giá là bài toán mà chúng tôi phải tính toán hài hòa cả hiện nay và trong tương lai”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Kim ngạch nhập khẩu ba tháng đầu năm 2024 của Việt Nam cao hơn đáng kể so với các năm trước, trừ 2022. 

Một yếu tố khác, theo Phó Thống đốc vừa là nguyên nhân, nhưng cũng là tín hiệu tích cực với nền kinh tế là việc cầu ngoại tệ cao để đáp ứng nhu cầu sắt thép, xăng dầu phục vụ sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu cao đã tạo áp lực lên tỷ giá.

“Ba yếu tố trên là nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn yếu tố tâm lý”, ông Tú nhấn mạnh. 

Ở phần trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cũng giải thích rõ hơn về các nguyên nhân cũng như đối sách của NHNN đối với vấn đề tỷ giá. Ông Quang khẳng định NHNN theo dõi rất sát tỷ giá và đã có biện pháp giải tỏa áp lực thị trường ngay từ tháng 3, thông qua việc phát hành tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền dư thừa trên thị trường.

“NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền đồng dư thừa, giảm bớt áp lực lên tỷ giá, làm cho tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép, trong khả năng quản lý của NHNN”, ông nói.

Ông giải thích gần đây, tỷ giá tăng đặc biệt nhanh do nhu cầu nguồn cung ngoại tệ của nền kinh tế rất lớn, đặc biệt cho nhập khẩu tăng rất cao. Cụ thể, nhu cầu xăng dầu, sắt thép đầu năm nay rất lớn. Doanh nghiệp để đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã có xu hướng tăng đột biến việc mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lai chuyển về hiện tại.

Về đối sách với tình hình tỷ giá, ngoài điều tiết lượng tiền, ông Quang cho biết NHNN sẽ triển khai song song biện pháp mạnh mẽ hơn. 

"Ngày hôm nay, trên website NHNN đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ. Kể từ ngày hôm nay, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng", ông Quang cho biết.

"Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế", ông nói.

Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN, ông Quang cho hay.

Minh Quang