12/11/2024 16:14

NHNN trả lời về các chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ có mức sống trung bình

Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện chưa có chính sách riêng nhưng hộ có mức sống trung bình cũng có thể tiếp cận được một số chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Vừa qua, cử tri tỉnh Ninh Bình đã có câu hỏi gửi đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mong muốn NHNN xem xét, ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối với hộ có mức sống trung bình để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết, hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai khoảng 27 chương trình tín dụng chính sách. 

Mặc dù, hiện chưa có chính sách riêng cho hộ có mức sống trung bình nhưng thực tế NHNN thấy rằng hộ có mức sống trung bình đã được tiếp cận một số chương trình tín dụng tại NHCSXH như Chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg; Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg…

Ngoài ra, hộ gia đình có mức sống trung bình còn được tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Nghị định của Chính phủ với nhiều quy định ưu đãi.

Theo đó, TCTD xem xét cho vay không tài sản bảo đảm đến mức 200 triệu đồng/hộ đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; đến mức 300 triệu đồng/hộ đối với hộ kinh doanh.

Triển khai Luật Các TCTD năm 2024, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội, trong đó dự kiến quy định cụ thể về các đối tượng được vay vốn tại NHCSXH. Do đó, đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Tài chính về vấn đề này để được nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng trên.

Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngày 11/11, tại phiên họp chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời nhiều câu hỏi về các giải pháp chính sách hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.

Trả lời chất vấn đại biểu tỉnh Cà Mau về gói tín dụng cho vay công nhân và người thu nhập thấp theo chương trình nhà ở xã hội, Thống đốc khẳng định, chương trình 1 triệu căn hộ đến năm 2030 là một chủ trương lớn rất nhân văn và đây là chủ trương giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Do đó, cần phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, NHNN đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120 nghìn tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng. Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với lại mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư.

Về hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3, Thống đốc thông tin trên thực tế, có 35 TCTD đã đăng ký các gói tín dụng với tổng giá trị là 405 nghìn tỷ đồng để cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300 nghìn tỷ đồng để cho vay mới.

Còn việc TCTD cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ khi không còn tài sản đảm bảo hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các TCTD. Trên cơ sở TCTD làm việc với khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin. Do đó, Thống đốc NHNN mong muốn UBND các cấp phối hợp chặt chẽ để kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để có thêm thông tin cho các TCTD quyết định trong các trường hợp này.

Đối với trường hợp cho vay đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh có rủi ro về nợ xấu, Thống đốc cho biết, các TCTD bằng các biện pháp sẽ xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Minh Nguyệt