Vĩ Mô 30/04/2024 15:03

Những con đường Sài Gòn thay đổi sau hơn 50 năm

Nhiều đường quen thuộc ở Sài Gòn có những thay đổi, hiện đại hơn khi so sánh hiện tại với những bức ảnh chụp từ thập niên 1960.

 

Đại lộ Nguyễn Huệ khoảng năm 1970 và hiện nay là phố đi bộ theo hướng nhìn từ sông Sài Gòn. Phía cuối đường là UBND TP HCM (trước 1975 là Tòa đô chánh), được xây từ năm 1898 đến 1909. Ngày nay dọc hai bên đường này và khu vực xung quanh hiện đại với nhiều tòa cao ốc.

Con đường dài khoảng 700 m nối liền UBND TP với bến Bạch Đằng. Khởi thủy, nơi đây là kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định với cái tên Kinh Lớn. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh, mở đường với cái tên ban đầu là Đại lộ Charner.

Đến năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên như hiện nay. Không chỉ là đại lộ sầm uất từ lâu mà con đường một thời là chợ hoa xuân tấp nập. Năm 2004, TP HCM khôi phục đường hoa rồi cải tạo thành phố đi bộ Nguyễn Huệ vào năm 2014.

 

Toàn cảnh công trường Mê Linh từ trên cao, phía bờ sông Sài Gòn đầu thập niên 1970, khác biệt nhiều so với hiện tại. Các nhánh đường tỏa ra từ vòng xoay công trường là Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng, Thi Sách.

Những con đường này vẫn giữ nguyên tên nhưng có nhiều sự thay đổi, cao ốc san sát nhau. Tượng Trần Hưng Đạo ở công trường sau khi trùng tu được đặt lại nguyên trạng. Bến Bạch Đằng bên bờ sông được cải tạo thành công viên.

 

So với ảnh chụp 1968 của tác giả Douglas Decker, hiện vòng xoay trước chợ Bến Thành không còn, các công trình xung quanh cũng thay đổi nhiều sau hơn 50 năm.

Vòng xoay có từ năm 1914, gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn. Năm 1964, nơi này được giới sinh viên đặt tượng bán thân Quách Thị Trang, để tưởng nhớ nữ sinh đã hy sinh trong cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Một năm sau, tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên bệ cao cũng đặt tại đây.

Năm 2014, để thi công ga ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên, tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang được di dời. Phía trước khu chợ là ga Bến Thành của Metro số 1 với quy mô 4 tầng ngầm. Hai năm trước, công trường tuyến metro đã hoàn trả mặt bằng giúp khu vực thông thoáng. Chính quyền thành phố đang lên kế hoạch cải tạo lại bùng binh Quách Thị Trang với kinh phí 157 tỷ đồng.

 

Tiếp giáp công trường Quách Thị Trang là đại lộ Lê Lợi - con đường sầm uất lâu đời ở Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1972 của Richard E.Wood theo hướng từ chợ Bến Thành về phía Nhà hát Thành phố, ở giữa là giao lộ với đường Nguyễn Huệ.

Cũng như đường Nguyễn Huệ, nơi đây là con kênh được người Pháp lấp để làm đường từ cuối thế kỷ 19, dài khoảng 900 m. Hơn một thế kỷ qua, đoạn đường này được gọi bằng hai cái tên là Boulevard Bonard thời Pháp và Đại lộ Lê Lợi từ năm 1955. Trên đường có nhiều công trình lâu đời của Sài Gòn như Thương xá Tax, Nhà hát, công trường Lam Sơn, bùng binh Bồn Kèn (sau này được gọi là Bùng binh Cây Liễu)...

Năm 2014, con đường được rào chắn để thi công Metro Bến Thành - Suối Tiên, hiện đã tái lập mặt bằng. Các hạng mục trên đường như cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè... đã cải tạo lại và đang đề xuất làm phố đi bộ.

 

Đường Đồng Khởi trước 1975 có tên là Tự Do, thời Pháp mang tên Rue Cartinat. Trong ảnh chụp 1960, là đoạn giao với đường Lê Lợi, góc phải là Continental - khách sạn đầu tiên của Sài Gòn. Góc trái là Thương xá Eden với hệ thống nhà hàng, quán xá, rạp chiếu phim sang trọng. Đến năm 2010 thương xá bị phá bỏ, thay vào là trung tâm thương mại.

Đây được xem là một trong những con đường sầm uất nhất của thành phố vì tập trung các cửa hiệu sang trọng, các khách sạn, trung tâm mua sắm. Các công trình nổi bật trên tuyến phố này là: Nhà hát TP HCM, khách sạn Continental, Grand Hotel Sài Gòn, Khách sạn Caravelle...

 

Một phần đường Lê Duẩn trong ảnh chụp năm 1968 của Dave De Milner và hiện nay không thay đổi nhiều, đi qua hàng cây ở công viên 30/4, phía cuối là Hội trường Thống Nhất (trước 1975 là Dinh Độc Lập).

Con đường là một trong những đại lộ đầu tiên tại Sài Gòn được người Pháp quy hoạch. Năm 1871, đường mang tên Norodom, vì Hội trường Thống Nhất lúc đó gọi là Dinh Norodom. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành đường Thống Nhất.

Sau ngày thống nhất, Chính phủ Cách mạng lâm thời đổi tên Dinh Độc Lập thành Dinh Thống Nhất và đường 30 Tháng 4. Đến năm 1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, UBND TP HCM đổi tên thành đường Lê Duẩn.

 

Giao với đường Lê Duẩn là đường Phạm Ngọc Thạch, nằm ở sau lưng nhà thờ Đức Bà, trong ảnh chụp thập niên 1960 và hiện nay. Thời Pháp con đường có tên Blan Sube sau đổi thành đường Duy Tân rồi mang tên như hiện tại sau năm 1975.

Đường Duy Tân trở nên thơ mộng khi xuất hiện trong lời bài hát Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát (Trả lại em yêu) của nhạc sĩ Phạm Duy. Trước năm 1975, nơi đây có trường Luật (nay là ĐH Kinh Tế TP HCM), sát đó là ĐH Kiến Trúc, một thời thành nơi hẹn hò của giới sinh viên.

 

Đường Pasteur năm 1960 đoạn gần giao lộ Nguyễn Công Trứ và hiện tại. Ảnh tư liệu chụp từ cầu Mống ở đầu đường Pasteur, bên phải là một phần của Ngân hàng Quốc gia (này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP HCM).

Đường dài khoảng 3 km, ban đầu mang tên Pellerin, đến năm 1955, đường đổi thành Pasteur. Năm 1975 đường đổi thành tên Nguyễn Thị Minh Khai nhưng năm 1991, chính quyền TP HCM sử dụng tên cũ.

 

Hàng xà cừ (sọ khỉ) cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng trong ảnh chụp của tác giả Doi Kuro không còn, được đốn hạ để xây dựng cầu Ba Son.

Đường Tôn Đức Thắng trước năm 1975 có tên gọi Cường Để. Con đường chạy dọc theo sông Sài Gòn, có các công trình lâu đời như Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh, nhà máy đóng tàu Ba Son...

 

Đường Trương Định chạy ngang qua công viên Tao Đàn trong ảnh chụp 1967 của Bill Mullin. Sau nhiều năm, hai bên đường với hàng cây dầu cao vút vẫn tỏa bóng mát, xanh ngắt. Trước năm 1975, đường mang tên Trương Công Định, sau được rút gọn như ngày nay.

 

Góc đường Hồng Bàng - Châu Văn Liêm năm 1967 trong ảnh của Stan Middleton. Đường Châu Văn Liêm trước năm 1975 tên Tổng Đốc Phương - tức Đỗ Hữu Phương, người nổi tiếng giàu có ở Nam Kỳ. Năm 1985, chính quyền TP HCM đổi thành tên như hiện nay.

Đây là một trong những con đường huyết mạch, sầm uất ở Chợ Lớn. Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Hội đồng đô thành Sài Gòn đổi tên đường Tổng Đốc Phương thành Hoàng Sa, đường Thuận Kiều gần đó là Trường Sa để gắn tên đường với chủ quyền đất nước.

 

Giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện năm 1972, khi ấy công viên Hoàng Văn Thụ vẫn là bãi đất trống. Trước năm 1975, hai con đường chưa mang tên như hiện nay, chủ yếu phục vụ mục đích quân sự. Bãi đất trống vốn thuộc bãi đáp trực thăng của Bệnh viện 3 dã chiến Mỹ, sau năm 1975 do Quân khu 7 quản lý trước khi thành công viên năm 1989.

Hiện giao lộ này đang được thi công hầm chui, thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành cuối năm nay, kết nối trực tiếp ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (đang xây dựng) và giảm ùn tắc cho khu vực.

Quỳnh Trần (Ảnh tư liệu)
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 17/05/2024 19:36
Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được giảm một năm tù

Tòa phúc thẩm ghi nhận cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nộp thêm một tỷ đồng, "xét công và tội" để giảm án từ 18 xuống 17 năm tù.

Vĩ Mô 17/05/2024 15:47
Chuyên gia: Lãi suất thấp chưa chắc đã tốt cho nền kinh tế

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu. Theo ông, việc hạ lãi suất hiện nay chưa thúc đẩy được nền kinh tế, trong khi lại đang tạo ra rủi ro cho tỷ giá.

Vĩ Mô 17/05/2024 06:50
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài 2: 'Xây tổ' đón 'đại bàng'

Việc thực hiện tốt chiến lược “xây tổ" đón "đại bàng” … sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được lợi thế để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.

Vĩ Mô 17/05/2024 06:47
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài 1: Không để lỡ nhịp 'cuộc chơi'

Thay vì chú trọng số lượng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đang chú trọng tới chất lượng dự án, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh...