Kinh tế Quốc tế 15/11/2024 14:00

Những vụ trộm bơ nêu bật hai cuộc chiến của nền kinh tế Nga

Lạm phát tại Nga đang gia tăng nhanh chóng, khiến ngay cả những mặt hàng thiết yếu như bơ cũng trở thành chiến lợi phẩm giá trị trong các phi vụ phạm pháp.

Giá bơ tại Nga đã tăng 26% trong một năm qua. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Hai cuộc chiến của Nga

Các khoản chi tiêu mạnh tay cho vũ phí và đạn dược của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã giúp Nga giành được lợi thế trên chiến trường Ukraine, nhưng cũng đồng thời khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn vì giá cả nhu yếu phẩm ngày càng trở nên đắt đỏ.  

Gần đây, một đoạn phim an ninh ở Ekaterinburg, thủ phủ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đã ghi lại cảnh hai người đàn ông che mặt đột nhập vào một cửa hàng sữa. Trong khi một người vét tiền trong quầy thu ngân, người còn lại lấy đi 20 kg bơ.

Bà Alexandra Prokopenko, học giả tại trung tâm nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center, bình luận: “Thông thường, các nhà máy bơ ở Nga rất sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cho công nhân làm ba ca. Nhưng họ không thể thuê đủ người làm. Nga không thể chiến thắng lạm phát trong nước và kẻ địch ở nước ngoài cùng một lúc”.

Hình ảnh trích xuất từ camera an ninh tại cửa hàng sữa ở Ekaterinburg. Một tên trộm vét tiền ở quầy, tên còn lại bỏ đầy bơ vào túi. (Ảnh: FT). 

Ngân hàng trung ương Nga ước tính lạm phát có thể vọt lên mức 8,5% trong năm 2024, gấp đôi mục tiêu đề ra. Giá các loại hàng hóa tiêu dùng ngày càng tăng nhanh. Giá bơ đã nhảy vọt 26% trong một năm qua, khiến một số cửa hàng phải bán bơ trong các hộp nhựa gắn khóa từ bên ngoài.

Tổng thống Putin kêu gọi các quan chức ổn định nền kinh tế và ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất lên mức kỷ lục 21% vào tháng 10. Tuy nhiên, ông Putin không có ý định giảm chi tiêu cho quân đội. Nga ấn định ngân sách quốc phòng năm 2025 ở mức cao nhất từ trước tới nay là 13.500 tỷ ruble (tương đương 138 tỷ USD).

Bà Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Những gì xảy ra ở Nga là trường hợp điển hình khi buộc nền kinh tế hoạt động quá công suất”.

Vấn đề nan giải

Chi tiêu cho quốc phòng phình to dẫn đến việc các doanh nghiệp trong ngành đổ xô thuê nhân công. Chủ lao động trong những lĩnh vực khác buộc phải tăng lương để cạnh tranh và do đó họ gần như không thể nâng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà không tăng mạnh giá bán.

Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina phát biểu trước quốc hội rằng lạm phát cao dai dẳng là dấu hiệu cho thấu nhu cầu “vượt xa” năng lực sản xuất của nền kinh tế. Bà nhấn mạnh: “Trong một số ngành, hầu như không còn thiết bị nào nhàn rỗi, ngay cả máy móc lỗi thời cũng được đưa ra sử dụng”.

 

Ngoài tiền lương của người lao động tăn, khó khăn trong việc chuyển đổi đồng ruble và hạn chế thanh toán do Mỹ áp đặt cũng khiến chi phí sản xuất các mặt hàng thường nhật ở Nga trở nên đắt đỏ hơn. Điều này khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Cô Maria, một cư dân ở Moscow, cho biết: “Tôi định mua bộ áo giữ nhiệt cho con gái ba tuổi với kiểu dáng y hệt năm ngoái mà chỉ tăng thêm một cỡ. Nhưng giá bán đã tăng gấp đôi. Tôi không hiểu nổi làm sao một số người có thể nói cuộc sống ở Nga chẳng có gì thay đổi so với trước”.

Chi tiêu bổ sung cho quốc phòng còn gây ra tình trạng bất bình đẳng về tác động của lạm phát tới người dân, tùy thuộc vào nghề nghiệp của họ gần gũi với ngành quốc phòng đến đâu.

Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho biết trong 7 năm qua, lương trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp nặng và xây dựng đã tăng 170%. Trong khi đó, lương trong ngành giáo dục và dịch vụ đô thị chỉ đi lên 10 đến 20%.

Thống đốc Nabiullina nhấn mạnh: “Lạm phát là khoản khấu trừ trực tiếp từ thu nhập của người dân. Không phải tiền lương và thu nhập của ai cũng tăng và giữa các ngành nghề có sự chênh lệch đáng kể”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 15/11/2024 15:28
Giữa đà bán tháo, Warren Buffett mở hai vị thế mới: Một cái tên rất thân thuộc với người Việt

Bất chấp động thái bán tháo cổ phiếu trong quý III, huyền thoại Warren Buffett vẫn thiết lập vị thế mới trong hai công ty tiêu dùng.

Kinh tế Quốc tế 15/11/2024 10:57
Argentina đưa tờ tiền mệnh giá lớn nhất từ trước đến nay vào lưu hành

Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) thông báo đã đưa tờ 20.000 peso (tương đương 21 USD) vào lưu hành.

Kinh tế Quốc tế 15/11/2024 07:11
Chủ tịch Powell: Fed không vội giảm lãi suất

Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm.

Kinh tế Quốc tế 15/11/2024 06:40
Dow Jones mất hơn 200 điểm sau phát biểu của Chủ tịch Powell

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ngoài ra, động lực tăng giá hậu bầu cử dường như đã biến mất khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hay Tesla quay đầu giảm.