Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nên nó được nhiều Tập đoàn hoặc DN lớn tại Việt Nam chọn lựa khi muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc đơn giản là muốn có thêm nguồn thu ổn định.
Mới đây, Tập đoàn Bất động sản Danh Khôi đã thông qua chủ trương hợp tác chiến lược với ba doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm năng, làm tiền đề để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các đối tác ký kết bao gồm Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất Viễn Phú, Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo và Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm.
Sở dĩ có sự lựa chọn này, nhiều khả năng là Danh Khôi đã nghiên cứu thị trường và thấy những gương thành công như Hòa Phát, Cao su Thống Nhất hay Masan MeatLife.
Nông nghiệp hiện là một trong 5 trụ cột của Hòa Phát
Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp kể từ năm 2015, với số vốn khoảng 300 tỷ đồng và tham gia vào nhiều mảng khác nhau như: nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi heo, nuôi bò thịt và gia cầm.
Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát là thành viên thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Hòa Phát, phụ trách triển khai các dự án chăn nuôi gà đẻ trứng giống và sản xuất trứng gà sạch từ năm 2016. Hiện Công ty có trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao, quy mô lớn hàng đầu Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích hơn 50ha, công suất 15.000 gà giống bố mẹ.
Ngoài bán trứng gà, Hòa Phát còn bán gà giống. (Ảnh: Hòa Phát)
Hàng năm, Hòa Phát cung cấp trên 300 triệu quả trứng sạch, giữ thị phần số 1 về sản lượng trứng gà cung cấp ra thị trường ở khu vực phía Bắc. Sản phẩm Trứng gà sạch Hòa Phát được phân phối tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm và siêu thị lớn tại Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ và xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào và Campuchia.
Hiện Hòa Phát đang vận hành 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên và Đồng Nai, với công suất 600.000 tấn mỗi năm.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT khẳng định mảng nông nghiệp của tập đoàn ‘đang làm rất tốt, làm rất cẩn thận’ và tự tin tuyên bố rằng, mức tỷ suất lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát luôn "đáng mơ ước" ở thị trường Việt Nam.
Thực tế, năm 2024, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi của Hoà Phát đạt 23%; bỏ xa nhiều DN đang hoạt động chính trong ngành nông nghiệp như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) với 14,2% hay CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) đạt 12,7%.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh chụp màn hình)
Năm 2024, mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt 7.081 tỷ doanh thu, tăng 12% so với 2023 và 1.038 tỷ lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao hơn hẳn so với Dabaco và BAF.
Còn trong quý I/2025, mảng nông nghiệp đóng góp tỷ trọng với 5% và 12% vào doanh thu, lợi nhuận của Hoà Phát. Doanh thu thuần mảng này đạt 1.987 tỷ đồng, tăng trưởng 31% còn lợi nhuận thuần đạt 407 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Nông nghiệp, từ lĩnh vực nhận nhiều ánh mắt nghi ngờ của cổ đông lúc bắt đầu triển khai, bây giờ đã trở thành một trong 5 trụ cột chính của tập đoàn Hòa Phát (Gang thép - Sản phẩm thép - Nông nghiệp - Bất động sản - Điện máy gia dụng).
Chuối đã cứu Cao su Thống Nhất ‘bàn thua trông thấy’
Cao su Thống Nhất (Mã: TNC) được thành lập từ 1991 là đơn vị chuyên trồng và khai thác mủ cao, sau đó mở rộng ra các sản phẩm nông nghiệp khác như chuối, hạt điều. Công ty có nông trường Hòa Bình 2, cao su Phong Phú, nhà máy Bàu Non, đội nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thống Nhất, xí nghiệp nông sản Phước Hưng. Trong những năm gần đây, chuối dần trở thành mặt hàng chủ lực mới bên cạnh mủ cao su của DN.
Từ năm 2019, Cao su Thống Nhất đã chuyển đổi 167 ha cao su không hiệu quả tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) sang trồng chuối già Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 4 năm phát triển, toàn bộ diện tích này được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Hiện 80% sản phẩm chuối của công ty đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, còn lại 20% tiêu thụ trong nước.
Nhân sự của Cao su Thống Nhất đang sơ chế và đóng gói chuối. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu chuối 68 tỷ đồng, trong khi mảng cao su mang về gần 64 tỷ đồng.
Theo báo BCTC quý I, Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu giảm 16% chỉ còn 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh giúp công ty có lãi gộp gần 12 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty cao su này có lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lợi nhuận quý I cao nhất kể từ 2020 đến nay.
Phía doanh nghiệp cho biết: kết quả này là nhờ giá bán chuối tăng trong quý đầu năm, dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chuối tăng với số tiền tương ứng gần 3,5 tỷ đồng.
Masan MeatLife có lãi năm đầu tiên
Doanh nghiệp Masan MeatLife (MML) ra đời bằng việc hợp nhất 2 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam là ANCO và Proconco vào năm 2015.
Sau đó, MeatLife tiếp tục đầu tư vào phần còn lại của chuỗi cung ứng như trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ trong 2 năm 2017 - 2018 và hoàn thành chuỗi 3F với việc ra mắt người tiêu dùng thịt sạch MeatDeli.Tháng 11/2020, Masan MEATLife hoàn tất giao dịch sở hữu 51% Công ty Cổ phần 3F VIỆT, chính thức mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm.
MeatLife đã đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng xây dựng hai Tổ hợp chế biến thịt mát và các sản phẩm khác với thương hiệu MeatDeli ở Hà Nam và Long An. MeatDeli thương hiệu thịt đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chế biến thịt mát châu Âu.
Bên trong nhà máy chế biến thịt của MML ở Hà Nam. (Ảnh: MML)
MeatLife hiện cũng sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 220 ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng, có khả năng cung cấp 230.000 heo hơi mỗi năm. Trang trại gà 3F Việt của họ có công suất 21 triệu con/năm, được thiết kế khép kín từ trang trại gà giống ông bà, cha mẹ, tới nhà máy ấp trứng, trại gà thịt thương phẩm.
Các sản phẩm của MML hiện được phân phối ở hơn 4.000; ngoài hệ thống siêu thị Win ‘của nhà trồng được’, sản phẩm còn có mặt ở CoopMart, CoopXtra, BigC và các hệ thống siêu thị khác.
Kể từ khi ra mắt vào 2019-2020, thương hiệu MeatDeli đã không ngừng phân chia và đưa ra các dòng sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu cũng như biên lợi nhuận.
Đầu tiên, họ chia tách chi tiết từng bộ phận khác nhau của lợn để niêm yết giá khác nhau; hiện tại, MeatDeli còn bán cả mỡ lợn đã chế biến và lòng lợn. Tiếp theo, họ tách ra thành 2 dòng là phổ thông và Premium, thịt ba chỉ Premium giá sẽ đắt hơn ¼ so với ba chỉ thường. Gần nhất, MeatDeli đã ra thêm dòng sản phẩm ‘ready to cook’ kiểu sơ chế cơ bản như xiên nướng, thịt viên trứng muối…
Dòng sản phẩm Premium và 'ready to cook' của MeatDeli. (Ảnh: MML)
Dòng sản phẩm 'ready to eat' của MML có cả mỡ lợn. (Ảnh: MML)
Nhờ vận động liên tục, trong năm 2024, MeatLife mang về doanh thu thuần 7.650 tỷ đồng và lần đầu tiên có lãi. Công ty đã có nhiều kết quả tích cực trong quý IV, nhờ đó chuyển từ lỗ 540 tỷ đồng sang lãi 25 tỷ đồng năm 2024. Tính đến hết tháng 12/2024, công ty vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 1.041 tỷ đồng.
Quý I/2025, MeatLife ghi nhận doanh thu 2.070 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số 116 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ ba liên tiếp có lãi. MML tin rằng, họ sẽ càng tốt hơn trong tương lai và nhanh chóng đạt đến điểm hòa vốn.
“Quý I/2025, sản phẩm thịt có thương hiệu đã chiếm 56% tổng doanh số ngành hàng này trong chuỗi WinMart. Trong giai đoạn tiếp theo, MML dự kiến sẽ hợp tác chặt chẽ với WCM để đưa các sản phẩm thịt tiếp cận kênh bán lẻ truyền thống thông qua hệ thống WiN+, hướng đến mục tiêu chinh phục cơ hội trị giá 2 tỷ USD.”, đại diện MeatLife cho biết.
Mới chỉ có duy nhất khu đất rộng hơn 59,7 ha tại phường 10, phường 11 (TP Vũng Tàu) được đấu giá thành công để làm Khu đô thị đường 3 Tháng 2.
Dù vẫn còn những lo ngại về thuế quan, IDICO cho biết đã ký kết một số thỏa thuận cho thuê đất trong tháng 4 vừa qua.
Vành đai 4 qua địa bàn thị xã Thuận Thành dài khoảng 19,5 km và qua huyện Gia Bình dài khoảng 0,55 km có nhiều điểm nhà dân chưa giải phóng mặt bằng.
Toyota thông báo dừng bán Corolla phiên bản máy xăng tại thị trường quê nhà, tập trung hoàn toàn vào động cơ hybrid.