Kinh doanh & Thị trường 22/03/2023 07:15

Ông Lê Hoàng Châu góp ý về quy định phát triển quỹ đất

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng cần bổ sung quy định về một số nguồn tài chính khác cho quỹ phát triển đất tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi như dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương...

 

 (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đổi mới tư duy kinh tế về đất đai, được thể hiện trong quy định “Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư” cơ chế “quỹ phát triển đất ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện“việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất”:

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của quỹ phát triển đất được tiếp nhận từ ba nguồn: Ngân sách nhà nước; huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật; được phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương.

Theo đánh giá của Chủ tịch HoREA, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa. Ngay tại TP HCM, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 khoảng 11.229 tỷ đồng, nếu trích 10% thì cũng chỉ được 1.122 tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện.

Do vậy, Chủ tịch HoREA đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Đối với nhiệm vụ chi của quỹ phát triển đất được đề cập tại dự thảo, ông Châu cho rằng có một số khoản không thể trực tiếp tái tạo nguồn thu tài chính cho quỹ phát triển đất như thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, Nhà nước có thể thu lại hiệu quả về kinh tế xã hội sau đó, trong đó có thu ngân sách nhà nước sau khi các dự án đầu tư công này đưa vào khai thác sử dụng.

Điều 111 và Điều 113, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Quỹ phát triển đất có nhiệm vụ ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất nhằm phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư.

Khoản 3, Điều 80 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Bên cạnh đó,  một số khoản chi tài chính của quỹ phát triển đất hoàn toàn có thể được thu hồi hoặc hoàn trả lại cho quỹ phát triển đất trong một số trường hợp sau.

Thứ nhất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được tính vào chi phí đầu tư dự án nhà ở xã hội. Sau khi thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thì sẽ có nguồn tài chính để hoàn trả lại chi phí này cho quỹ phát triển đất.

Thứ hai, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư”của các thành phần kinh tế, sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và sẽ có nguồn tài chính để hoàn trả lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho quỹ phát triển đất, đồng thời còn tạo thêm được nguồn tài chính từ chênh lệch địa tô.

“Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích của Nhà nước, muốn hoạt động hiệu quả thì vừa phải có nguồn vốn tài chính ban đầu đủ lớn để hoạt động, vừa phải xây dựng được cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động rất chủ động, năng động (tương tự như tính chủ động, năng động của doanh nghiệp tư nhân), vừa phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu. Do vậy, cơ chế, tổ chức hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất cần được Chính phủ quy định chi tiết.

Nếu triển khai tốt thì nguồn tài chính của quỹ phát triển đất sẽ tăng trưởng lớn mạnh và theo thời gian dần dần Nhà nước có thể trở thành bên cung ứng quỹ đất lớn nhất, tin cậy nhất trên thị trường sơ cấp.

Đồng thời, quỹ phát triển đất phát huy được vai trò ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng cho người có đất bị thu hồi, rồi sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, qua đó có thể hạn chế tối đa việc xảy ra khiếu kiện của người dân", ông Châu nói.

Nguyên Ngọc
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 01/11/2024 20:40
Bảng giá đất mới tác động lên chi phí tài chính doanh nghiệp như thế nào?

TP HCM chính thức áp dụng bảng giá đất mới kể từ ngày 31/10/2024, với hầu hết các tuyến đường, khu vực trên địa bàn tăng từ 4-38 lần.

Kinh doanh & Thị trường 01/11/2024 20:25
Kiến nghị tăng phạt với sàn giao dịch đẩy giá bất động sản

Cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh với vi phạm liên quan đẩy giá bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị tăng mức phạt với sàn địa ốc.

Kinh doanh & Thị trường 01/11/2024 19:55
Giá thuê đất thương mại dịch vụ ở TP HCM dự kiến tăng 18-53%

Giá thuê đất thương mại dịch vụ của TP HCM dự kiến tăng trung bình từ 18-53%, theo dự thảo mới của Sở Tài Chính.

Kinh doanh & Thị trường 01/11/2024 16:18
Bộ Công Thương: Tuyệt đối không mua sắm trên Temu, Shein

Bộ Công Thương nói việc thực hiện giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép mang đến cho người tiêu dùng nhiều rủi ro.