Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg).
Hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ “rất tử tế” với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán tương lai và tiết lộ thuế quan sẽ giảm nếu hai nước có thể đạt thoả thuận.
Cụ thể, phát biểu tại thủ đô Washington, ông Trump cho hay: “Thuế quan sẽ giảm đáng kể nhưng sẽ không xuống mức 0”. Vị tổng thống nói thêm: “Chúng tôi sẽ rất tử tế và Trung Quốc cũng sẽ rất tử tế, hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Chủ nhân nhà Trắng cũng cho biết ông không cần phải tuyên bố rằng ông sẽ “chơi cứng rắn” với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Đồng thời, ông nói thêm rằng trong các cuộc thảo luận, Mỹ sẽ không nêu vấn đề COVID-19.
Gần đây, Nhà Trắng đã ra mắt một trang web cho rằng virus gây ra đại dịch này xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, khiến các nhà ngoại giao của đất nước tỷ dân khó chịu.
Các bình luận mới của ông Trump xuất hiện trong bối cảnh cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế quan đối ứng mà vị tổng thống công bố hôm 2/4.
Mức thuế quan 145% mà ông Trump áp đặt với hàng hoá Trung Quốc trong năm nay vẫn được giữ nguyên, dù nhà lãnh đạo 78 tuổi đã công bố miễn trừ đối với máy tính và các thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến.
Theo nhận xét của một số chuyên gia, đây là một dấu hiệu cho thấy ông Trump đang thoái lui khỏi lập trường cứng rắn của mình đối với Bắc Kinh trong bối cảnh thị trường biến động.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, đánh giá: “Ông Trump đang hoản loạn vì thị trường lao dốc và lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn rất cao”.
“Ông ấy cần một thoả thuận và nhanh chóng. Trung Quốc không cần phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào trong trường hợp đó”, vị chuyên gia nói thêm.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa chính thức phản hồi phát biểu mới của ông Trump nhưng hãng truyền thông Cailian gọi đó là “dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ đã mềm mỏng hơn trong chính sách thuế quan đặc trưng của mình”.
Đầu tháng 4, Bắc Kinh cho biết họ muốn thấy một số bước đi từ chính quyền ông Trump trước khi đồng ý bất kỳ cuộc đàm phán nào, đặc biệt là Mỹ phải kiềm chế những bình luận mang tính chê bai của các thành viên nội các.
Các điều kiện khác bao gồm lập trường nhất quán hơn từ phía Washington và thiện chí giải quyết mối quan ngại của Trung Quốc xung quanh các lệnh trừng phạt của Mỹ và đảo Đài Loan, theo nguồn tin của Bloomberg.
Bắc Kinh cũng muốn Washington chỉ định một người đứng đầu cho các cuộc đàm phán. Người này phải có sự ủng hộ của ông Trump và có thể giúp chuẩn bị một thoả thuận mà vị tổng thống có thể ký khi hai bên gặp nhau.
Trước đó, Bắc Kinh đã bài tỏ sự không hài lòng với những bình luận mà Phó Tổng thống JD Vance đưa ra về “nông dân Trung Quốc”. Một nhà ngoại giao gọi phát biểu đó là “thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng”.
Phố Wall có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent lạc quan rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, nhưng dự đoán hai nước có thể mất hai đến ba năm để đạt một thỏa thuận toàn diện.
Ông Trump làm rõ bản thân không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, bất chấp những chỉ trích gay gắt nhắm vào người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh sau một tuyên bố cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sớm hạ nhiệt.