OPEC+ nhất trí tăng nguồn cung dầu vào tháng 6

OPEC+ vừa quyết định tăng mạnh sản lượng dầu vào tháng tới, tiếp nối đợt tăng hồi tháng 5. Động thái này cho thấy sự thay đổi chiến lược đáng kể của khối, trong nỗ lực trừng phạt các thành viên sản xuất vượt hạn mức, đồng thời chấp nhận rủi ro giá dầu tiếp tục lao dốc, theo Bloomberg.

Các quốc gia chủ chốt trong OPEC+, do Arab Saudi và Nga dẫn đầu, hôm thứ Bảy ngày 3/5 đã đồng ý tăng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng tới - tương tự mức tăng được công bố hồi tháng trước, khi khối này bất ngờ quyết định đưa sản lượng tăng gấp ba lần so với kế hoạch ban đầu cho tháng 5.

Giới giao dịch dầu thô đã chuẩn bị tinh thần cho một đợt tăng sản lượng đáng kể, sau khi Arab Saudi trong những tuần gần đây phát tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng chịu đựng mức giá dầu thấp kéo dài. Tuy nhiên, động thái này cũng phản ánh sự đảo chiều trong chiến lược lâu nay của khối – vốn ưu tiên bảo vệ giá dầu – qua đó làm dấy lên nghi ngại về tương lai của liên minh cũng như khả năng xảy ra cuộc chiến giá dầu.

Theo các đại biểu OPEC+, sự thay đổi chiến lược này bắt nguồn từ việc Arab Saudi ngày càng mất kiên nhẫn với tình trạng sản xuất vượt hạn mức của các nước như Kazakhstan và Iraq, và đã chọn cách "vắt kiệt tài chính" các thành viên này thông qua việc hạ giá dầu nhằm răn đe.

Ông Jorge Leon, nhà phân tích tại Rystad Energy A/S, từng làm việc tại ban thư ký OPEC, nhận định: “OPEC+ vừa thả một quả bom xuống thị trường dầu mỏ.” Theo ông, với động thái này, Arab Saudi đang tìm cách trừng phạt các quốc gia không tuân thủ hạn ngạch – đặc biệt là Kazakhstan – đồng thời thể hiện thiện chí với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực hạ giá dầu.

Riyadh đang nỗ lực siết chặt quan hệ với Tổng thống Trump - dự kiến sẽ thăm Trung Đông trong tháng này và từng kêu gọi OPEC hạ giá nhiên liệu.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/5, giá dầu Brent đứng ở mức 61,3 USD/thùng - gần mức thấp nhất trong 4 năm - trong bối cảnh Arab Saudi đảo ngược chính sách, làm gia tăng lo ngại trước các đòn áp thuế của ông Trump nhằm vào Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – cũng như nhiều nền kinh tế lớn khác. Ngay cả trước khi OPEC+ gia tăng sản lượng, thị trường dầu mỏ đã đối mặt với nguy cơ dư cung trong năm 2025 do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và nguồn cung dồi dào từ Mỹ.

Giá dầu lao dốc đang gây nhiều khó khăn cho các công ty dầu mỏ, trong đó có các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ – những người từng cảnh báo rằng họ không thể đáp lại lời kêu gọi “khoan đi, khoan nữa, khoan mãi” của Tổng thống Trump nhằm đưa nước Mỹ bước vào thời kỳ thống trị năng lượng. Giá dầu giảm cũng gây tổn thất cho các thành viên OPEC+, bao gồm cả chính Arab Saudi.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá cà phê hôm nay 4/5: Đồng loạt giảm trong tuần qua do lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu

Giá cà phê tuần qua đồng loạt giảm ở cả thị trường trong nước và thế giới. Mức thuế cơ sở mới 10% do Nhà Trắng áp dụng có thể làm tăng chi phí nguyên liệu thô nhập khẩu và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ.

Giá tiêu hôm nay 4/5: Thế giới biến động trái chiều trong tuần qua

Do kỳ nghỉ lễ kéo dài, giá tiêu nội địa trong tuần qua chủ yếu dao động trong khoảng 154.000 – 156.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá tiêu xuất khẩu của Indonesia ghi nhận xu hướng tăng mạnh liên tục, trong khi giá tiêu của Việt Nam và Brazil lại có chiều hướng giảm.

Doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác sản xuất điện từ thực phẩm thừa

Công ty năng lượng JFE Engineering và các tập đoàn lớn trong ngành ẩm thực Nhật Bản sẽ hợp tác trong lĩnh vực phát điện bằng khí sinh học từ thực phẩm thừa.

Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm

Lượng dầu lưu kho của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần kết thúc vào 25/4 khi xuất khẩu tăng và các nhà máy lọc dầu nâng công suất vận hành, Wall Street Journal dẫn số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho biết.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO