Kinh doanh & Thị trường 26/06/2024 14:56

'Phát triển xanh là mệnh lệnh sống còn cho mọi quốc gia'

Đây là phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên trong một sự kiện về chuyển đổi xanh diễn ra tại Hà Nội vào sáng 26/6.

Tại sự kiện về chuyển đổi xanh diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội do Vingroup tổ chức, TS Hoàng Dương Tùng tại mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nêu không khí ô nhiễm (bụi mịn PM2.5) đang là vấn đề đáng báo động đối với nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có TP HCM và Hà Nội.

Số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy có giai đoạn Hà Nội có tới hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém. Ông Tùng nói đáng lo ngại hơn là xu thế này không giảm mà ngày càng tăng. Nhiều người đã dùng từ “mùa ô nhiễm” thay cho “mùa đông” ở các tỉnh miền Bắc.

TS Hoàng Dương Tùng tại sự kiện sáng 26/6. (Ảnh: Đức Huy).

Vị chuyên gia cho biết bụi mịn PM 2.5 nhỏ li ti mang theo đầy chất độc hại với đường kính nhỏ hơn 2.5um, nhỏ hơn 30 lần sợi tóc con người. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì có thể luồn sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi, làm giảm chức năng của phổi, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. 

Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen. Theo ước tính, hàng năm có đến 4,3 triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.

TS Hoàng Dương Tùng khẳng định hành động “để bầu trời xanh trở lại là nỗi trăn trở và trách nhiệm của nhiều người, trong đó có chính chúng ta”.

“Liệu có thể có không khí trong lành khi nhiều cơ sở sản xuất coi thường pháp luật, liên tục nhả khói bụi? Bụi mịn PM 2.5 liệu có giảm khi số lượng xe máy, 6 triệu xe máy ở Hà Nội, 8 triệu ở TP HCM, hàng triệu ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trong thành phố?” vị tiến sĩ đặt câu hỏi. 

Từ đó, ông Tùng nói chuyển đổi xanh là con đường tất yếu phải đi. Trong đó có chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế, giao thông.

Đồng ý với quan điểm của ông Tùng, cũng tại sự kiện, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Phát triển xanh là một sứ mệnh lịch sử - thời đại, là nhiệm vụ có tính toàn cầu. Nó không chỉ có tầm quan trọng to lớn mà còn là mệnh lệnh sống còn đặt ra cho cả thế giới, cho tất cả quốc gia, doanh nghiệp, cho mọi cá thể sống mang danh hiệu Con Người. Việc thực hiện sứ mệnh lịch sử đó đang đặt ra như một thách thức gay gắt bậc nhất, đòi hòi sự đồng lòng, chung sức ở tầm trí tuệ cao nhất, với quyết tâm hành động mạnh mẽ nhất của tất cả chúng ta”.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Vingroup cung cấp).

Ông Thiên cho rằng chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp. Nó cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, của mỗi người dân. Vị PGS.TS nói: “Không quên bài học quý báu được đúc kết từ kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế khác, rằng sự thần kỳ không tự dưng xuất hiện, mà đó chỉ có thể là kết quả của khát vọng vươn lên và sự đồng lòng của cả dân tộc”.

Trong khi đó, ông Tùng tại mạng lưới Không khí sạch Việt Nam lại dẫn câu chuyện giải quyết ô nhiễm không khí của TP Bắc Kinh, Trung Quốc như một ví dụ. Ông cho biết thành phố này từng là tâm điểm của ô nhiễm không khí, nhưng nhờ những quyết tâm của lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao nhất và những chính sách, chương trình hành động đúng, cộng với sự tham gia của doanh nghiệp, của cộng đồng, chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.

Đồng quan điểm với hai vị chuyên gia nói trên, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, cho hay sự song hành giữa phát triển hiện đại và nguy cơ ô nhiễm là một thực tế mà tất cả các quốc gia đều buộc phải đối mặt và cần tìm ra giải pháp hiệu quả.  

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe và tương lai của nhân loại, xe điện được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả giúp làm giảm phát thải CO2. 

“Đó chính là lý do, Vingroup quyết tâm đẩy nhanh lộ trình phát triển xe điện và kiên định với lựa chọn này, cho dù đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất”, ông Quang nói.

Riêng tại Việt Nam, Chính phủ đã có những bước đi trong chuyển đổi xanh, đặc biệt là giao thông vận tải. Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng ban hành là một ví dụ.

Mục tiêu là đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời tiết tới giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero).

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 29/06/2024 10:55
Tiền ảo Pi tuyên bố có 60 triệu người dùng

Pi Network cho biết dự án tiền ảo này hiện có 60 triệu người tham gia mạng lưới, tăng gần 10 triệu so với cách đây ba tháng.

Kinh doanh & Thị trường 29/06/2024 09:55
Triển vọng sáng cho thị trường M&A toàn cầu nửa cuối năm nay

Tuy số lượng các thỏa thuận M&A được ký kết trên toàn cầu trong quý II đã giảm 21% song các chuyên gia hàng đầu vẫn lạc quan và dự báo triển vọng tích cực khi bước sang nửa cuối năm.

Kinh doanh & Thị trường 29/06/2024 09:31
Cuộc khủng hoảng tại Nike

Đối thủ cạnh tranh vươn lên quá mạnh mẽ cộng thêm nhiều quyết định sai lầm là những yếu tố khiến kết quả kinh doanh của Nike sa sút.

Kinh doanh & Thị trường 29/06/2024 09:15
Không cạnh tranh nổi xe điện, ba ông lớn ô tô Mỹ có thể rút khỏi Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định ba ông lớn ngành xe hơi của Mỹ là Ford Motor, GM, Stellantis nên sớm rời Trung Quốc trong bối cảnh khó lòng bắt kịp sự phát triển của xe điện.