Vĩ Mô 07/01/2025 15:53

Phó Ban KTTW: 'Năm 2025 không chỉ cần tăng trưởng cao mà phải tạo nền tảng duy trì trong 5 - 10 năm tới'

Theo Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, năm 2025 cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5 - 10 năm tiếp theo.

Phát biểu tại Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2025: "Cải cách - Kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" diễn ra chiều 7/1, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết 2025 là năm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện và về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

"Năm 2025 cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5 - 10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số", PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: HA).

 

Theo ông, về bối cảnh thế giới, năm 2025 là năm tiếp tục được dự báo sẽ có những biến động và biến đổi sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình trạng phân mảnh/phân tách trong hợp tác kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục gia tăng.

Xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đi cùng với đó là các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trở lại; tỷ trọng giao thương nhiều hơn trong các khối địa - chính trị cùng tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nước lớn đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi mô hình thương mại toàn cầu theo hướng thiếu kết nối hơn, tạo tâm lý thiếu ổn định trong hoạt động thương mại, đầu tư trên thế giới.

Một số thách thức mang tính cấu trúc lâu dài khác đối với kinh tế toàn cầu cũng phức tạp hơn, nổi lên là vấn đề già hóa dân số nhanh chóng và gay gắt, tạo ra những thay đổi căn bản trong cấu trúc lao động, buộc các nước phải tìm cách thích nghi.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa đặt ra thách thức lớn hơn cho các nước phát triển ở trình độ trung bình và thấp... "Tính bất ổn và khó dự báo của kinh tế toàn cầu khiến cho việc đầu tư vào các tài sản "trú ẩn" như vàng, bất động sản... có xu hướng tăng cao, giảm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, ông Sơn đánh giá: "Năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn; cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5 -10 năm tiếp theo".

Vì cậy, cần phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Làm sao để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế là vấn đề đang rất được quan tâm.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đang tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 46% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước...

"Phải làm sao để đầu tư tư nhân kết nối được với đầu tư công và đầu tư FDI, qua đó tạo ra sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng", PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu phải gắn liền với kiểm soát nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ đóng góp vào GDP, nâng cao sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho tăng trưởng.

Đánh giá, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển dựa trên hiệu quả các nguồn lực, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong đó, điểm nghẽn về thể chế đang được coi là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực. 

Ông cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng số, cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo.

Cũng như, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực số, thu hút và trọng dụng nhân tài; nghiên cứu, hấp thụ, chuyển giao và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP HCM và thành phố Đà Nẵng.

Cuối cùng là cần các giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường trong điều kiện tăng trưởng cao. "Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều", ông Sơn đánh giá.

 

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 08/01/2025 17:03
Bộ Công an nói gì về 'tin đồn đối với lãnh đạo ngân hàng ACB'?

Theo Bộ Công an đến nay chưa nhận được đơn thư của các bên có liên quan. Tuy nhiên, nếu hành vi tung tin đồn thất thiệt, vu không rõ ràng, cơ quan công an sẽ phải xử lý rất nghiêm, đúng quy định pháp luật, đặc biệt là các hành vi có tác động đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp.

Vĩ Mô 08/01/2025 15:27
Năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8 - 10%

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Vĩ Mô 08/01/2025 11:18
SuperPort bắt tay 'ông lớn' Trung Quốc đầu tư hạ tầng kết nối tuyến đường sắt xuyên biên giới

'Siêu cảng' SuperPort Việt Nam sẽ hợp tác Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam để xây dựng hạ tầng phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Vĩ Mô 08/01/2025 10:12
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 2024 tăng gần 58%, Lào nhận số vốn lớn nhất

Năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 664,8 triệu USD, tăng 57,7%. Trong đó, Lào dẫn đầu chiếm 28,8% vốn, tăng 62,2% so với năm 2023