25/04/2025 15:58

Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,6% tổng dư nợ tín dụng, còn nhiều dư địa phát triển

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng xanh hiện mới chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ toàn hệ thống, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (Ảnh: Báo Lao động)

Phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh"  do Báo Lao động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 25/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò quan trọng của tín dụng xanh trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững và chuyển đổi mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam. 

Trong khi đó, dư nợ tín dụng xanh tăng bình quân trên 22%/năm trong giai đoạn 2017–2024, cao hơn mức tăng tín dụng chung toàn nền kinh tế.

"Tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển", Phó Thống đốc nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết hoạt động tín dụng xanh vẫn còn đối mặt nhiều rào cản. Một trong những nút thắt lớn là thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, chưa có bộ tiêu chí ESG thống nhất để doanh nghiệp thực hành. Ngoài ra, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài và yêu cầu cao về quản trị, nhân lực chuyên môn cũng là trở ngại.

Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế đang siết chặt tiêu chuẩn phát thải, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU có hiệu lực từ 2026 – tín dụng xanh sẽ là công cụ quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại hội thảo, NHNN đề xuất các bên liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khung chính sách nhằm thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.

 Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Báo Lao động)

Phát biểu tại sự kiện, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, NHNN đã triển khai nhiều chương trình, chính sách. 

Cụ thể, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý: Ban hành Thông tư 17 (2022) hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng; sửa đổi các quy định cấp tín dụng phù hợp Luật các TCTD (2024). Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030 với 7 nhóm nhiệm vụ, từ chuyển đổi số, hợp tác quốc tế đến mua sắm xanh.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD ưu tiên vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở ứng phó biến đổi khí hậu...Ngoài ra, hỗ trợ triển khai dự án lớn như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL (Quyết định 1490/QĐ-TTg);Lồng ghép tín dụng xanh trong các chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, đề án cơ cấu lại TCTD,...

Đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường đạt hơn 4,28 triệu tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).

Số lượng TCTD tham gia cho vay xanh tăng từ 15 đơn vị năm 2017 lên 48 đơn vị vào cuối năm 2024. Giai đoạn 2017–2024, dư nợ tín dụng xanh tăng bình quân 21,2%/năm, cao hơn mặt bằng chung tín dụng. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cuối năm 2023.

Thách thức và điểm nghẽn

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động ngân hàng hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Thứ nhất, Việt Nam chưa ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia và hệ thống phân ngành kinh tế xanh với các tiêu chí cụ thể, gây khó khăn trong việc xác định, phân loại và thống kê tín dụng xanh.

Thứ hai, khung thể chế và chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, còn thiếu cơ chế thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh, thị trường carbon và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh theo ngành/lĩnh vực như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, quy hoạch...

Thứ ba, việc huy động vốn cho các dự án xanh còn nhiều thách thức. Vốn quốc tế chịu ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế – chính trị và rủi ro tỷ giá, trong khi vốn trong nước gặp khó khăn do chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn huy động và thời gian hoàn vốn của dự án.

Thứ tư, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về tài chính xanh còn hạn chế, dẫn đến nhu cầu đối với sản phẩm tín dụng và huy động xanh chưa cao.

Thứ năm, hệ thống dữ liệu về mức độ tuân thủ môi trường của khách hàng còn thiếu, gây khó khăn trong việc đánh giá rủi ro, kiểm toán và giám sát.

Cuối cùng, các dự án xanh thường yêu cầu vốn lớn và đánh giá kỹ thuật chuyên sâu, làm tăng chi phí thẩm định và đòi hỏi các TCTD phải đầu tư vào hệ thống quản trị, nâng cao năng lực đội ngũ về ngân hàng xanh và tài chính bền vững. 

Minh Nguyệt
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO