Vĩ Mô 04/05/2024 06:55

Phó Thủ tướng: ‘Đảm bảo mục tiêu lạm phát từ 4 – 4,5% trong mọi tình huống’

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 cần được bảo đảm trong giới hạn 4 - 4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Thông báo nêu rõ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81%, cơ bản nằm trong giới hạn cho phép song thời gian tới, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ diễn biến, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Cụ thể, xung đột quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục leo thang tại một số khu vực ảnh hưởng đến giá năng lượng, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng… gia tăng áp lực đối với công tác quản lý, điều hành giá trong Quý II và những tháng cuối năm 2024.

Để chủ động ứng phó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng, kịch bản điều hành giá tổng thể gắn với các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ phù hợp, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn đề ra.

Các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và đào tạo và các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải theo dõi sát tình hình để xây dựng, cập nhật phương án, kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý.

Bên cạnh đó, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các Bộ, cơ quan liên quan để phân tích, dự báo, đánh giá tác động, biến động giá của các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý đến mặt bằng giá chung để cập nhật kịch bản điều hành giá tổng thể và các kịch bản, phương án điều hành giá đối với các mặt hàng cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, thống nhất và bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn đề ra.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá

Trên cơ sở kịch bản điều hành tổng thể và kịch bản điều hành cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, chủ động có biện pháp, giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường theo kịch bản đề ra;

Đồng thời, chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, điều tiết hoạt động sản xuất, bảo đảm cung ứng, lưu thông, phân phối, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng có quyền số cao trong chỉ số giá tiêu dùng; kịp thời báo cáo trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm đảm bảo thông tin kịp thời phục vụ công tác điều hành giá.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả theo mục tiêu chung, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát lạm phát cơ bản, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Tiếp tục nghiên cứu, xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất... để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giá, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm triển khai thi hành đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, không để khoảng trống pháp luật khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 18/05/2024 10:26
Người dân được thanh toán phí kiểm định, phí đường bộ xe ôtô qua mã QR

Người dân dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt khi trả phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước.

Vĩ Mô 18/05/2024 06:25
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài cuối: Sẵn sàng đón dòng đầu tư tỷ USD

Dòng vốn đầu tư chất lượng đổ vào Việt Nam thời gian tới kỳ vọng sẽ rất lớn, đặc biệt là dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn. Để đón đầu cơ hội này, các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Vĩ Mô 17/05/2024 23:41
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài 4: Công cụ lựa chọn dự án chất lượng

Việt Nam đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các dự án chất lượng cao.

Vĩ Mô 17/05/2024 22:17
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài 3: Bước 'chạy đà' của thị trường bất động sản

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào lĩnh vực bất động sản giữ vị trí thứ hai trong tổng vốn đầu tư, với số vốn đăng ký trong 4 tháng khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.