Vĩ Mô 04/02/2025 12:18

Phó Thủ tướng: Hà Nội triển khai ngay dự án 550 tỷ đồng 'hồi sinh' sông Tô Lịch

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Tại Công văn số 741 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch là rất cấp bách để mang lại môi trường, cảnh quan, văn hóa, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội triển khai ngay Dự án bổ cập nước sông Tô Lịch, nhất là khi 100% nước thải dọc theo dòng sông được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nước sau thu gom, xử lý không được trả lại về sông Tô Lịch.

Việc chuyển nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch cần được thực hiện đồng thời với rà soát các quy hoạch có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu gom toàn bộ nước thải dọc theo các sông, kiểm soát nước mưa, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên sông, phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường.

Theo Phó Thủ tướng, UBND TP Hà Nội có đầy đủ thẩm quyền để quyết định và thực hiện dự án. Trong trường hợp áp dụng trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành hoàn thiện phương án kinh tế - kỹ thuật đảm bảo hiệu quả kinh tế, tính bền vững của công trình, không để xảy ra thất thoát lãng phí tài sản công và ngân sách Nhà nước.

Sông Tô Lịch. (Ảnh: Internet).

Về giải pháp và công nghệ, Phó Thủ tướng lưu ý, TP Hà Nội cần nghiên cứu phương án lắng, lọc nước sông Hồng để giảm lượng phù sa bồi lắng, sử dụng hiệu quả nguồn nước sau khi đã được xử lý, trong đó có phương án cấp nước trở lại sông Tô Lịch thay cho phương án chuyển ra sông Hồng.

Đồng thời, thành phố cần nghiên cứu đánh giá tác động, có giải pháp bảo đảm an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực lấy nước và dọc theo tuyến có công trình đi qua.

Để đảm bảo mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ UBND TP Hà Nội sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đê điều, xây dựng, tài nguyên nước, môi trường,… 

Về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, trước đó, TP Hà Nội đã thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.

Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng trạm bơm công suất 3 - 5m3/s tại bãi sông Hồng gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành. Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng.

Về giải pháp kỹ thuật, Hà Nội dự kiến lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3 m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200, bố trí hai đường ống thép và một ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép. Thành phố dự kiến đặt ba đập dâng tại vị trí Cống Mọc, cầu Dậu và vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.

Tại văn bản gửi Thủ tướng về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, UBND TP Hà Nội cho biết dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố. TP Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9 năm nay.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 04/02/2025 15:46
Hà Nội dự kiến khởi công cầu Tứ Liên vào tháng 5

Cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến được khởi công trong tháng 5 năm nay.

Vĩ Mô 04/02/2025 14:11
Thủ tướng giao EVN, PVN làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng giao EVN, PVN lần lượt làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đồng thời Thủ tướng yêu cầu phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030.

Vĩ Mô 04/02/2025 13:55
Đơn hàng tấp nập, nhiều doanh nghiệp phải tăng ca và tuyển thêm lao động

Theo ông Đỗ Việt Hà, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ cao Thái Minh, tính đến nay, doanh nghiệp đã kín đơn hàng hết quý I và bắt đầu lên kế hoạch sản cho quý II. Vì vậy, để đáp ứng kế hoạch sản xuất, doanh nghiệp dự kiến phải cho người lao động làm ba ca mới đảm bảo tiến độ đơn hàng, sau đó tuyển thêm lao động.

Vĩ Mô 04/02/2025 11:28
Tháng 1/2025: PMI ngành sản xuất Việt Nam xếp thứ mấy trong ASEAN?

Trong tháng 1, PMI ngành sản xuất của Việt Nam thấp hơn đến 4 quốc gia là: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, chỉ cao hơn hai quốc gia là Malaysia và Myanmar.