Vĩ Mô 01/07/2024 08:12

PMI tháng 6 vọt lên 54,7 điểm, lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh

Chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 6 đã tăng mạnh lên 54,7 điểm,  so với mức 50,3 điểm của tháng 5 cho thấy ngành sản xuất công nghiệp phục hồi rất mạnh.

Theo báo cáo từ S&P Global,Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6 từ mức 50,3 điểm của tháng 5 cho thấy sự phục hồi chắc chắn chứ không còn "mong manh".

Sự tăng trưởng của sản xuất trong tháng cuối cùng của Quý II nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng với một trong những tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận. Từ đó các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, và tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong ba tháng.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào cũng nhanh hơn, đạt mức cao của hai năm khi chi phí vận tải và đặc biệt là giá dầu tăng. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Kết quả chỉ số không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Mức độ cải thiện của các điều kiện kinh doanh trong tháng 6 là một trong hai mức mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, tương đương với các mức được ghi nhận trong tháng 4/2021 và tháng 5/2022.

 PMI tháng 6 vọt lên mức trên 54 điểm chứ không còn dao động quanh mốc 50 điểm như các tháng trước. (Nguồn: S&P Global).

Đơn hàng mới tăng mạnh

Các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh hơn chủ yếu phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng thành mức chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng đầu tiên thu thập dữ liệu khảo sát vào tháng 3/2011.

Các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Trong một số trường hợp, giá cả cạnh tranh đã giúp các công ty có được các đơn đặt hàng mới.

Trong khi đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022, mặc dù tốc độ tăng là chậm hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, và tháng 6 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất của sản lượng trong hơn 5 năm rưỡi qua.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá, ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh.

Mức độ tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã làm bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên ở một số công ty và dẫn đến tăng khối lượng công việc cần thực hiện. Trước tình hình đó, các công ty đã tuyển mạnh thêm nhân viên.

"Tuy nhiên, đi cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng thành mức cao của hai năm. Lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu trong tương lai, nhưng hiện giờ các công ty vẫn sẽ tận hưởng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6”, ông Andrew Harker cho hay.

PMI chỉ số việc làm tăng theo lượng đơn hàng mới. (Nguồn: S&P Global). 

Mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã tạo áp lực lên công suất hoạt động, từ đó lượng công việc tồn đọng đã tăng lần thứ hai trong ba tháng. Mặc dù chỉ ở mức nhẹ, tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 1. Trong một số trường hợp, các công ty cho biết việc thiếu nhân công đã góp phần làm tăng lượng công việc chưa thực hiện.

Kết quả là, số lượng nhân viên đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng, và tốc độ tăng là mạnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tuyển dụng mới chỉ là cho công việc tạm thời. Các công ty cũng đã gia tăng hoạt động mua hàng, và hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 6 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và đạt mức cao của hai năm. Có nhiều báo cáo cho thấy chi phí vận tải tăng, cùng với giá dầu và chi phí các mặt hàng nhập khẩu tăng. Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 6/2022.

Mức tăng giá bán hàng đã được ghi nhận trong hai tháng liên tiếp. Mức độ sẵn có hơn của nguyên vật liệu đã giúp các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình giao hàng trong tháng 6, và thời gian giao hàng đã được rút ngắn lần đầu tiên trong năm 2024 tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, mức cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ khi vẫn có những khó khăn trong khâu vận tải biển quốc tế. Triển vọng của các điều kiện kinh doanh thuận lợi tiếp tục hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng ngành sản xuất trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh đạt mức cao của ba tháng khi có khoảng một nửa số người trả lời khảo sát dự báo tăng trưởng.

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 03/07/2024 03:55
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể chậm lại, nhưng triển vọng vẫn tích cực

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể chậm hơn so với mức tăng tích cực ở nửa đầu năm.

Vĩ Mô 03/07/2024 00:30
Chưa hoàn thành GPMB Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ

Đến đầu tháng 7/2024, khâu giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đường bộ đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thể hoàn thành.

Vĩ Mô 02/07/2024 19:55
3.900 tỷ đồng xây cầu vượt biển vịnh Rạch Giá

Cầu dài 2,8 km, 6 làn xe, vượt vịnh Rạch Giá thuộc tuyến kết nối hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau dài 3,7 km, tổng vốn đầu tư khoảng 3.900 tỷ đồng.

Vĩ Mô 02/07/2024 19:50
Tập đoàn Amkor tăng vốn thêm 1 tỷ USD cho nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C có mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO