19/09/2024 11:53

[Profile công ty tài chính] Từng lãi hàng trăm tỷ mỗi năm, Shinhan Finance quay đầu lỗ từ 2023 tới nay

Sau nhiều năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận vào tập đoàn mẹ, Shinhan Finance đang trải qua thời điểm khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng khi thua lỗ từ năm 2023 tới nay.

 Ảnh: Shinhan Finance

Shinhan Finance (Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam) là thành viên của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group) - một trong những tập đoàn tài chính Hàn Quốc. Tập đoàn có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và đã dần mở rộng hoạt động thông qua các dịch vụ tài chính đa dạng, từ ngân hàng, chứng khoán đến bảo hiểm và tài chính tiêu dùng.

Shinhan Finance được thành lập trên cơ sở mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam vào năm 2019. Sau thương vụ này, Shinhan Finance đã chính thức trở thành một phần của Shinhan Financial Group. Công ty được thành lập vào tháng 4/2007. Đến tháng 7/2019, công ty tài chính này hoạt động dưới thương hiệu Shinhan Finance. 

Shinhan Finance thuộc top 7 công ty tài chính chiếm 83% tổng cho vay tiêu dùng tính đến hết năm 2023 (Nguồn: Fiingroup)

Vốn điều lệ của Shinhan Finance hiện ở mức là 615 tỷ đồng trong đó 100% vốn nước ngoài (Shinhan Card – Hàn Quốc). Được biết, Shinhan Card đã mua lại Prudential Finance với giá là 151 triệu USD vào đầu năm 2018 từ Tập đoàn Prudential.

Các mảng hoạt động của Shinhan Finance bao gồm phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, công ty tài chính này được cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; phát hành thẻ tín dụng.

Tính đến năm 2023, công ty cho biết đã phục vụ gần một triệu khách hàng trên toàn quốc, với mạng lưới chi nhánh và điểm dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành lớn.

Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đạt trung bình mỗi năm, Shinhan Finance đã chiếm lĩnh một thị phần đáng kể. Theo báo cáo của Fiingroup, Shinhan Finance nằm trong top 5 công tài chính chiếm 43,7% thị trường tài chính tiêu dùng năm 2023 tại Việt Nam, với thị phần chỉ đứng sau các công ty như FE Credit và Home Credit.

 

Quay đầu lỗ trong 1,5 năm gần đây

Công ty tài chính tiêu dùng này từng có giai đoạn lãi ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong 4 năm 2019 - 2022, Shihan Finance lần lượt báo lãi 359 tỷ đồng, 382 tỷ đồng, 234 tỷ đồng và 312 tỷ đồng. 

Cho đến năm 2023 trở lại đây, khi ngành tài chính tiêu dùng gặp khó khăn sau COVID-19, kết quả kinh doanh của Shinhan Finance mới lao dốc.Năm 2023, công ty lỗ kỷ lục 462,7 tỷ đồng, đây là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi Shinhan Card mua lại Prudential Finance và ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại Việt Nam.

Nửa đầu năm 2024, khoản lỗ giảm về hơn 95 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 khoản lỗ nửa đầu năm ngoái (246 tỷ đồng).

 

 Nguồn: Minh Nguyệt tổng hợp

Tính đến hết tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước xuống 2.367 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,72 lần xuống 3,43 lần. Tại Shinhan Finance, tình trạng nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu diễn ra khá rõ nét từ năm 2019 đến nay.

Tổng nợ phải trả tại công ty này năm 2019 là 5.685 tỷ đồng. Khoản mục nợ phải trả liên tục nhích tăng qua các năm, năm 2022 tăng vọt lên 9.464 tỷ đồng và năm 2023 giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao 9.355 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2024, nợ phải trả của công ty vào khoảng hơn 8.100 tỷ đồng. 

 Nguồn: Minh Nguyệt tổng hợp

Huy động thành công 40 triệu USD trước kỳ đáo hạn 1.000 tỷ trái phiếu

Bên cạnh sự suy giảm về lợi nhuận, Shinhan Finance còn đối mặt với áp lực đáo hạn khoản nợ 1.000 tỷ đồng vào tháng 10 tới đây. Đây là lô trái phiéu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu được phát hành vào ngày 10/10/2019 có kỳ hạn 5 năm,lãi suất 6,95%/năm. 

Vào tháng 5/2024, Shinhan Finance đã hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn 2 năm, trị giá 40 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Chi nhánh Singapore và Ngân hàng Woori - Chi nhánh Singapore...

Được biết, đây là khoản vay hợp vốn quốc tế góp phần bổ sung nguồn vốn lưu động tại Shinhan Finance. Trong đó, SMBC, Chi nhánh Singapore (SMBC SG) đóng vai trò là ngân hàng thu xếp và quản lý sổ đầu tư trong việc ký kết hợp đồng vay và đồng thời là đại lý tín dụng cho khoản vay hợp vốn này.

Mới đây, Shinhan Finance cũng triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất vay mới đối với các khách hàng cá nhân sinh sống tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Theo đó khách hàng nộp hồ sơ đề nghị vay tín chấp cho mục đích tiêu dùng, phục vụ đời sống kể từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024, Shinhan Finance giảm 2% lãi suất cho toàn bộ hợp đồng có thời hạn vay trên 24 tháng, nếu được duyệt vay. 

Minh Nguyệt