06/05/2024 16:41

Shinhan Bank đưa ra cảnh báo về thị trường BĐS và rủi ro tín dụng năm 2024

Theo các chuyên gia, khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2024, cần vô cùng thận trọng trước tình trạng tài chính đang suy yếu của các nhà phát triển bất động sản vốn đã bị tổn thương cũng như sự lan rộng của rủi ro tín dụng.

 

 

Cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá 

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế và Thị trường Tài chính Việt Nam quý 2/2024", các chuyên gia của Shinhan Bank nhận định trong thời gian qua nhu cầu vay vốn vẫn chưa cải thiện bất chấp các hỗ trợ của chính sách tín dụng như cắt giảm lãi suất.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đã tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm và quay đầu hồi phục vào tháng 3. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 1,34% so với cuối năm 2023, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.

 

 

 

 

Tình trạng này đã diễn ra trong năm trước khi kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh, tuy nhiên nhờ các chính sách giảm lãi suất của NHNN và các ngân hàng thương mại nên tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý IV và đạt 13,8% vào cuối năm 2023.

Trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về phía các ngân hàng, họ đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục và hạ lãi suất. Hiện mặt bằng lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử kể từ đại dịch COVID-19.

 

Theo các chuyên gia phân tích, khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất, thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng ​​sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh và áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao, NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai.

"Mặc dù đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao", báo cáo của Shinhan nhận định. Cùng với đó, việc cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái.

Cảnh báo về thị trường BĐS và rủi ro tín dụng

Báo cáo của Shinhan cho biết do thị trường bất động sản đang suy thoái và gặp nhiều thách thức về thanh khoản, NHNN và Chính phủ đã hạ lãi suất và nới lỏng một số quy định về cho vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các TCTD vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, kèm theo nhu cầu trên thị trường bất động sản giảm, khiến việc giải quyết vấn đề về dòng tiền và thanh khoản của các công ty bất động sản gặp nhiều khó khăn.

 

Các chuyên gia của Shinhan Bank cũng cảnh báo về suy yếu của các nhà phát triển bất động sản vốn đã bị tổn thương cũng như sự lan rộng của rủi ro tín dụng khi một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2024.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn từ đầu tháng 3 đến cuối năm 2024 là 258.200 tỷ đồng, trong đó 38% thuộc nhóm bất động sản với 99.200 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 21% với 54.400 tỷ đồng.

 

 

 

Tỷ giá ở mức cao trong nửa đầu năm 2024

Báo cáo của Shinhan cũng cho rằng tỷ giá USD/VND nửa đầu năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như đồng nhân dân tệ suy yếu do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và các yếu tố nội lực như nhu cầu trong nước trì trệ và tăng trưởng tín dụng thấp.

Dự kiến tỷ giá sẽ giảm dần sau khi Ngân hàng trung ương ở các quốc gia lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn FDI tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá có thể sẽ chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện.

 

 

 

 

 

 

H.T