Kinh tế Quốc tế 19/04/2024 16:00

S&P Global: Các kích thích tài khoá của Trung Quốc đang mất dần hiệu quả

Nhà phân tích cấp cao của S&P Global Ratings cảnh báo rằng các biện pháp tài khoá của Trung Quốc đang trở nên kém hiệu quả và khối nợ lớn đang ngăn cản chính quyền nhiều địa phương kích thích nền kinh tế.

 

Một khu dân cư đang xây dựng tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Trong một báo cáo công bố vào ngày 18/4, nhà phân tích cấp cao Xu Yunbang của S&P Global Ratings cho biết các kích thích tài khoá của Trung Quốc đang mất dần hiệu quả.

Ông Xu nói thêm rằng các biện pháp kích thích nói trên giống như một chiến lược câu giờ của Bắc Kinh trước khi các chính sách công nghiệp và tiêu dùng phát huy tác dụng.

Phân tích của S&P Global sử dụng chi tiêu của chính phủ Trung Quốc để đánh giá các chính sách kích thích tài khoá, theo CNBC.

Ông Xu cho hay: “Theo quan điểm của chúng tôi, kích thích tài khoá là một chiến lược câu giờ có thể mang lại một số lợi ích lâu dài, nếu Trung Quốc tập trung vào các dự án phục hồi tiêu dùng hoặc nâng cấp công nghiệp có khả năng tạo giá trị gia tăng”.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Đây là một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng, xét từ các gói kích thích mà chính phủ đã triển khai.

Vào đầu tháng 3, người đứng đầu cơ quan hoạch định kinh tế của chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẽ “tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô” và nỗ lực phối hợp giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ, việc làm, công nghiệp và địa phương.

Báo cáo của S&P Global lưu ý, khối nợ lớn khiến chính quyền nhiều địa phương khó bơm kích thích tài khoá, bất kể thành phố đó được coi là khu vực có thu nhập cao hay thấp.

Tỷ lệ nợ công trên GDP có thể dao động từ khoảng 20% đối với các thành phố có thu nhập cao như Thâm Quyến, đến 140% đối với các thành phố nghèo hơn như Ba Trung (ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên).

“Do năng lực tài khoá hạn chế và tính hiệu quả của các biện pháp kích thích giảm dần, chúng tôi dự đoán chính quyền các địa phương sẽ tập trung... cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hỗ trợ tăng trưởng dài hạn và mức sống của người dân”, ông Xu nhận định.

“Đầu tư thường kém hiệu quả hơn trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản sa sút nghiêm trọng”, nhà phân tích của S&P Global nói thêm.

Theo số liệu chính thức được công bố vào đầu tuần này, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 3 nhờ đầu tư cho lĩnh vực sản xuất. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng chững lại, trong khi đầu tư vào bất động sản tiếp tục giảm tốc.

Vào đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng các khoản trợ cấp và ưu đãi khác, mục đích là để nâng cấp thiết bị và sản xuất sản phẩm tiêu dùng.

Các biện pháp trên dự kiến sẽ tạo ra hơn 5.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 704,2 tỷ USD) chi tiêu hàng năm cho thiết bị và máy móc, theo CNBC.

Chia sẻ với các phóng viên vào tuần trước, các quan chức Bắc Kinh cho biết về mặt tài khoá, chính quyền trung ương sẽ “hỗ trợ mạnh mẽ” cho những kế hoạch nâng cấp như vậy.

S&P Global nhận thấy kích thích tài khoá của chính quyền địa phương thường tạo ra tác động và hiệu quả lớn hơn ở các thành phố giàu có, dựa trên dữ liệu từ năm 2020 đến năm 2022.

Nhà phân tích Xu viết trong báo cáo: “Các thành phố có thu nhập cao thường dẫn đầu vì họ ít bị tổn thương hơn trước sự sụt giảm của thị trường bất động sản, đồng thời họ còn có hệ thống công nghiệp mạnh hơn và tiêu dùng ổn định hơn trong giai đoạn kinh tế đi xuống”.

“Công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong tương lai”, ông Xu nhấn mạnh.

“Các lĩnh vực công nghệ cao hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc và đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa công suất ở một số lĩnh vực có thể gây ra vấn nạn giảm giá trong thời gian tới”, ông lưu ý thêm.

 

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 02/05/2024 20:36
Ông Powell nói Fed khó tăng lãi suất trở lại, nhưng quyền quyết định nằm trong tay lạm phát

Một số nhà kinh tế cho rằng sớm muộn gì Fed cũng phải nghĩ đến kịch bản tăng lãi suất trở lại.

Kinh tế Quốc tế 02/05/2024 19:50
Tesla giải tán bộ phận phát triển trạm sạc xe điện, người trong ngành phát hoảng

Hệ thống Supercharger của Tesla là mạng lưới sạc xe điện lớn nhất nước Mỹ và là một trong những ưu thế mạnh nhất của Tesla so với các đối thủ khác. Việc CEO Elon Musk sa thải hầu hết nhân viên phụ trách Supercharger là đòn giáng mạnh vào nỗ lực xây dựng mạng lưới trạm sạc quốc gia của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 02/05/2024 15:55
McDonald’s và nhiều thương hiệu lớn cảnh báo người tiêu dùng thu nhập thấp đang kiệt sức vì lạm phát

CEO của một số doanh nghiệp lớn và nổi tiếng nhất nước Mỹ cho biết nhiều khách hàng đang gặp khó khăn vì giá cả tiếp tục tăng. Lạm phát dai dẳng là rắc rối đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và Fed.

Kinh tế Quốc tế 02/05/2024 07:10
Ông lớn dược phẩm Pfizer với cái kết hậu COVID-19

Công ty dược phẩm hàng đầu thế giới Pfizer (Mỹ) đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm do doanh số bán vaccine và thuốc kháng virus COVID-19 thấp.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO