Vĩ Mô 09/05/2025 15:08

Sử dụng định danh cá nhân để thay thế toàn bộ giấy tờ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định việc sử dụng định danh cá nhân có thể thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hai nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, trong phiên họp sáng ngày 9/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự án Luật được xây dựng nhằm đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; đảm bảo thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam trong triển khai hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự thảo Luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Trong đó, ngoài việc kế thừa những cải cách, tiến bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, dự thảo Luật đã tiếp tục hiện đại hoá, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật đã bãi bỏ hai nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

"Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính", Bộ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 23 nội dung để xử lý một số quy định có vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp.

Không để Việt Nam bị đưa vào danh sách đen về phòng chống rửa tiền

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần rà soát quy định chuyển tiếp bảo đảm hợp lý, khả thi đối với doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực.

Theo ông Phan Văn Mãi, để đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật và ý nghĩa của Luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ, các cơ quan ngang Bộ có liên quan và địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và đáp ứng yêu cầu của FATF; bảo đảm không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, gây khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Các Bộ, ngành và địa phương cần quy định ở mức độ hợp lý, khả thi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; nhanh chóng ban hành hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ.

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào danh sách đen.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 09/05/2025 20:25
Bình Dương sắp có khu công nghệ thông tin tập trung hơn 15 ha

Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương có diện tích hơn 15 ha, nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương tại TP Thủ Dầu Một.

Vĩ Mô 09/05/2025 20:25
Những nút thắt cần Hải Phòng tháo gỡ

Để tiếp tục tăng trưởng hai con số, Hải Phòng cần đồng bộ hạ tầng giao thông, phát triển nhân lực chất lượng cao và đổi mới tư duy làm du lịch.

Vĩ Mô 09/05/2025 20:21
Khách đến Đà Nẵng chịu chi nhất dịp 30/4

Mỗi lượt khách đến Đà Nẵng dịp 30/4 chi trung bình gần 4 triệu đồng, cao nhất kỳ nghỉ lễ, tiếp đến là khách tại TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa.

Vĩ Mô 09/05/2025 19:41
Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.