Kinh doanh & Thị trường 18/09/2023 08:26

Sự già cỗi và chậm chạp của Volkswagen

Volkswagen đang thất thế trong cuộc đua xe điện ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, chiến lược chuyển đổi xe điện đang dần đến hạn và hãng xe hơi hàng đầu nước Đức phải chịu áp lực phải làm sao để tăng tốc.

Sau ngày nhậm chức Giám đốc điều hành của Volkswagen AG (VW), ông Oliver Blume đã phải nhận ngay tin không vui. Một lãnh đạo cấp cao của công ty được cử đến Trung Quốc để xem xét tình hình cạnh tranh và những đánh giá ban đầu không mấy tích cực.

Trở về trụ sở chính ở Wolfsburg (Đức), ông nói với ông chủ mới của mình rằng Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đang thất thế trong cuộc đua xe điện tại thị trường quan trọng nhất - Trung Quốc và không có triển vọng bắt kịp.

Theo Bloomberg, Volkswagen đã tụt lại phía sau ở Trung Quốc từ trước đại dịch. Họ chứng kiến sự vươn lên của những hãng xe nội địa như BYD, Nio cùng nhiều thương hiệu khác, chưa kể Tesla. Những cái tên này đã tăng gấp đôi số lượng mẫu xe hybrid và xe điện với giá thành cũng như chất lượng tốt hơn so với ông lớn ô tô nước Đức.

Cơn ác mộng chưa dừng lại với VW khi các đối thủ từ Trung Quốc đang nhắm tới thị trường châu Âu, điều này làm gia tăng áp lực với hãng xe hơi Đức.

VW đang tới deadline (hạn cuối) cho chiến lược xe điện. Bên cạnh tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư, áp lực cạnh tranh đang ngày càng gia tăng với VW vì cuộc chiến giá cả gay gắt ở Trung Quốc - nơi nhiều thương hiệu xe điện đang chấp nhận bán lỗ để giành thị phần.

Trong khi đó, với CEO Oliver Blume, ông cùng đội ngũ vẫn đặt niềm tin rằng nỗ lực của Volkswagen sẽ được đền đáp khi xe điện trở nên phổ biến hơn.

 Mẫu xe điện GTI Concept của Volkswagen. (Ảnh: Bloomberg).

Trong quá khứ, VW tượng trưng cho “phép màu kinh tế”. Cùng với nhiều tên tuổi khác, ông lớn xe hơi này là minh chứng cho sự phục hồi sau chiến tranh của nước Đức. Tuy vậy, ở hiện tại, tương tự nước Đức, VW đang trở nên già cỗi và chậm chạp. 

“Ngành công nghiệp ô tô ở Đức có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khác trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Sản xuất vẫn chưa phục hồi đạt đến mức trước đại dịch và điều đó cũng thể hiện sự yếu kém đang diễn ra của ngành công nghiệp Đức", ông Martin Ademmer, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics nhận định.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong bài phát biểu tại triển lãm xe hơi: “Cạnh tranh sẽ thúc đẩy chúng tôi nhưng không thể khiến chúng tôi cảm thấy sợ hãi. Vào những năm 1980, người ta cho rằng ô tô Nhật Bản sẽ tràn ngập tất cả các thị trường khác. Hai mươi năm sau, dự báo này lại được dùng để nói về ô tô sản xuất tại Hàn Quốc và thời điểm hiện tại là của ô tô điện Trung Quốc".

Nhờ sự thúc đẩy của chính sách, quá trình chuyển đổi sang xe điện của Trung Quốc thậm chí còn diễn ra nhanh hơn các nước khác. Xe điện sẽ chiếm một nửa tổng số ô tô được bán trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới vào giữa thập kỷ này.

Mới đây, tại Munich (Đức), các giám đốc điều hành của BMW đã phải mắt tròn mắt dẹt trước mẫu xe roadster Cyberster bóng bẩy đến từ thương hiệu MG của SAIC Motor Corp (Trung Quốc). Mẫu xe sẽ được bán vào năm tới với giá khoảng 57.000 euro, ngang hàng với mẫu Z4 chạy xăng của BMW.

Hildegard Müller, người đứng đầu tổ chức vận động hành lang ô tô VDA của Đức cho biết: “Sự cạnh tranh quốc tế luôn diễn ra. Nhiều nhà sản xuất chủ yếu tạo ra lợi nhuận ở nước ngoài, giúp duy trì việc làm ở Đức. Nhưng áp lực ngày càng lớn bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế suy yếu và các điều kiện không còn mang tính cạnh tranh quốc tế nữa”.

Tại triển lãm xe hơi ở Munich, CEO Volkswagen, Oliver Blume cho biết: “Mọi công ty đều phải bắt đầu từ chính mình để đổi mới và tiến lên. Và chúng tôi cũng vậy."  Nói là làm, ban lãnh đạo sẵn sàng trả 700 triệu USD cho gần 5% cổ phần của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Xpeng. Động thái này giúp VW tiếp cận nền tảng công nghệ của hãng xe Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình sản xuất ô tô điện. Nó được nhiều người coi là nỗ lực cuối cùng để VW xoay chuyển tình thế trong bối cảnh công ty loay hoay trong chiến lược xe điện.

Mathias Miedreich, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất Bỉ - Umicore SA, công ty có thỏa thuận cung cấp vật liệu pin cho VW, cho biết: “VW giống như một con tàu chở dầu lớn cần thời gian để quay đầu. Một khi tàu chở dầu bắt đầu quay đầu, bạn không thể dừng nó được nữa”. 

CEO Oliver Blume hiện 55 tuổi và ông đã làm việc tại Volkswagen với vai trò thực tập sinh từ năm 1994. Nhà lãnh đạo này vẫn tuân theo cách tiếp cận tương đối cổ điển. Đó là "Mở rộng khi cảm thấy mông lung" - một chiến lược chung cho nhà sản xuất vận hành hơn 10 thương hiệu xe hơi. 

 CEO Oliver Blume của Volkswagen. (Ảnh: Getty Images).

Chiến lược mở rộng để khắc phục vấn đề cũng được thể hiện rõ qua những nỗ lực của Volkswagen tại Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Đức đã phải vật lộn để giữ vị thế của mình trên thị trường kể từ cuối những năm 1970. Trong nỗ lực mới nhất, nhà sản xuất xe hơi Đức đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trị giá 2 tỷ USD ở Nam Carolina nhằm vực dậy thương hiệu Scout, vốn đã không hoạt động trong 4 thập kỷ.

Thông qua Scout, VW có kế hoạch sản xuất những chiếc SUV và xe bán tải chạy bằng pin từ năm 2026. Đây được xem như là một động thái cạnh tranh đối với Cybertruck của Tesla và Rivian Automotive.

Tờ Bloomberg nhắc lại vụ bê bối gian lận khí thải của VW trong quá khứ, coi đây là động lực cho chiến lược xe điện vội vàng của hãng xe Đức. Nhiều năm trước đây, công ty đã thúc đẩy “động cơ diesel sạch” như một giải pháp thay thế tiết kiệm nhiên liệu cho xe hybrid, nhưng cuối cùng họ phải thừa nhận rằng những tuyên bố đó là sai sự thật và hàng triệu phương tiện của họ đã thải ra lượng ô nhiễm bất hợp pháp. Những tiết lộ này đã làm hoen ố danh tiếng về năng lực kỹ thuật của hãng sản xuất xe hơi Đức.

Lên nắm quyền và chịu trách nhiệm vực dậy công ty, Oliver Blume đặt ra những mục tiêu cụ thể. Đó là sửa chữa sai lầm mang tên Cariad; ổn định thị phần ở Trung Quốc; tăng trưởng ở Mỹ; nâng cao tỷ suất lợi nhuận của thương hiệu VW và xây dựng danh mục xe điện cạnh tranh tại Audi. Tuy vậy, không có gì trong số đó là nhanh chóng và dễ dàng.

Thùy Trang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 13/10/2024 07:54
Những tài sản 'khủng' bà Trương Mỹ Lan muốn dùng để khắc phục hậu quả

Nhiều dự án, phần vốn góp trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan muốn bán để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

Kinh doanh & Thị trường 12/10/2024 20:37
Công cụ khai thác lỗ hổng được rao giá triệu USD

Thị trường mua bán công cụ khai thác lỗ hổng bảo mật diễn ra nhộn nhịp, trong đó có mã được rao ở mức hai triệu USD.

Kinh doanh & Thị trường 12/10/2024 20:33
Lạm phát tiền mừng cưới

Tiền mừng cưới trung bình tại Hàn Quốc đã tăng từ 30.000 won lên 50.000 won trong thời gian gần đây.

Kinh doanh & Thị trường 12/10/2024 19:30
Vì sao 3 dự án đất ở Hà Nội bị đề nghị điều tra?

Công ty Đầu tư Phương Đông bán 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn ở đường Pháp Vân theo hình thức sở hữu lâu dài, giá chênh lệch so với được phê duyệt gần 56 triệu đồng/m2.