27/07/2024 06:16

Sự phục hồi của đồng yen có nguy cơ làm đảo lộn thị trường

Trong khi CNY tăng giá theo yen Nhật, một loạt tài sản khác bị bán tháo từ cổ phiếu Nhật Bản tới vàng và tiền mã hoá,... do nhà đầu tư phải đánh giá lại các vị thế đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính...

Theo Bloomberg, sự phục hồi trở lại đáng ngạc nhiên gần đây của yen Nhật (JPY) đã có tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Sự kiện này đã đẩy giá trị đồng nhân dân tệ (CNY) lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến các tài sản như cổ phiếu Nhật Bản, vàng, tiền mã hóa,... khi các nhà đầu tư xem xét, đánh giá lại các giao dịch đòn bẩy. 

Kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào đầu tháng 7/2024, đồng yen đã tăng gần 5% so với đồng USD. Điều này dựa trên kỳ vọng rằng thị trường đang có niềm tin ngày càng lớn rằng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ sớm thu hẹp. 

Trong phiên ngày 25/7 tại thị trường châu Á, có thời điểm đồng yen đã lên mức cao nhất hai tháng rưỡi trở lại đây đạt 152,835 yen đổi 1 USD. 

Bên cạnh đó, sự phục hồi của JPY đã đẩy giá trị CNY lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng. Cụ thể, đồng CNY của Trung Quốc đã tăng 0,4% so với đồng USD khi hưởng lợi từ đà tăng của đồng yen.

Diễn biến giá USD/JPY. Nguồn: Tradingview.

Tuy nhiên,đồng nội liên tục mạnh lên lại khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản trở nên lo ngại về và đẩy chỉ số Nikkei 225 vào một đợt điều chỉnh. Theo nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.Com, sự tăng giá của JPY đã gây ra hiện tượng thanh lý trên diện rộng.

Phía sau cú phục hồi mạnh mẽ này của JPY là việc giới đầu tư ồ ạt rút khỏi các vị thế kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry-trade), loại hình giao dịch mà họ thường vay yen Nhật để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn như USD, peso Mexico, đô la Australia hay đô la New Zealand.

Những đồng tiền tại các quốc gia này hiện đang bị bán tháo do chênh lệch lãi suất trở nên kém hấp dẫn. Ngoài ra, các tài sản như vàng và tiền mã hóa cũng giảm giá khi các nhà giao dịch rục rịch chuyển sang đặt cược vào sự hồi phục của JPY.

Thêm vào đó, sự gia tăng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 9 năm nay và ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể nâng lãi suất là một nguyên nhân nữa khiến đồng yen hồi phục. Thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 75% BoJ tăng lãi suất vào tuần tới, vào đầu tuần con số này mới chỉ là 44%.

"Sự rút lui khỏi vị thế bán khống đồng yen chắc chắn đang đóng góp vào tâm lý ngại rủi ro trên toàn cầu. Diễn biến này chắc chắn sẽ tiếp diễn và các số liệu kinh tế, sự kiện kinh tế trong mấy ngày tới cho thấy rủi ro USD tiếp tục yếu đi”, Ngân hàng ING nhận định.

Ngoài ra, nhà quản lý quỹ Calvin Yeoh của công ty Blue Edge Advisors cho hay: “Mùa hè vốn là thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu dễ biến động, thanh khoản trên thị trường thường giảm xuống mức thấp. Nếu JPY tiếp tục tăng giá, sẽ còn nhiều tài sản bị bán tháo dẫn tới mức độ biến động cao hơn.”

Minh Nguyệt