Ngày 18/11/2023, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (Thai FDA) đã công bố danh sách các sản phẩm giả mạo có xuất xứ từ Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường Thái Lan. Chiến dịch truy quét mạng lưới phân phối các sản phẩm này được thực hiện với sự phối hợp của Cục Điều tra Trung ương Thái Lan (CIB).
Thời điểm đó, nhà chức trách cho biết đã thu giữ 43.411 đơn vị sản phẩm, gồm 23 loại khác nhau, với tổng giá trị hơn 40 triệu baht (khoảng 26 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Bộ Y tế Thái Lan cũng phát đi cảnh báo, khuyến nghị người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo phóng đại công dụng hoặc mua sản phẩm chỉ vì giá rẻ.
Trong danh sách sản phẩm giả mạo được FDA Thái Lan công bố có những thương hiệu sữa như HIUP Complete - quảng cáo giúp trẻ cao thêm 3–5cm trong 3 tháng. Công dụng được cho là gấp 10 lần các sản phẩm thông thường. Hay Digo Sure - tuyên bố hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim. Ngoài ra còn giảm đau vai, khớp, tê bì và phục hồi hệ xương khớp.
Ngoài ra còn có các sản phẩm như Ovisure Gold, Zextra Sure, Via Sure Calcium, Hevisure Gold, Hevifood Body Fit,… hướng tới các bệnh như xương khớp, tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, thoái hoá cột sống,…
Các dòng sữa bị FDA Thái Lan điểm tên. (Ảnh: The Nation Thailand).
Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cần cảnh giác với các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng các sản phẩm không được kiểm chứng có thể gây hại cho sức khỏe. Người dân được khuyến khích tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Trong đó, HIUP Complete loại sữa bị giới chức Thái Lan liệt vào danh sách sản phẩm giả mạo có tên gọi và bao bì tương tự sản phẩm HIUP 27 được BTV Quang Minh và Vân Hugo quảng cáo thời gian qua.
Sản phẩm này được người tiêu dùng chú ý sau khi Bộ Công an Việt Nam triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm thành lập CTCP Dược quốc tế Rance Pharma và CTCP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Số lượng lớn thương hiệu sữa giả được đưa ra ánh sáng khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong đó có những loại sữa được quảng cáo bởi những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng.
Ngày 15/4, công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam – đơn vị sở hữu bản quyền và phân phối chính thức sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27, đã gửi thông báo tới khách hàng và đối tác khẳng định rằng sản phẩm HIUP “hoàn toàn không liên quan và không có bất kỳ mối liên hệ nào với các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh sữa bột giả đang được các phương tiện truyền thông phản ánh”.
Nhà sản xuất cho biết HIUP 27 được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, kiểm nghiệm định kỳ bởi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia. Sản phẩm đã được Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm – Sở Y tế Vĩnh Phúc cấp Giấy tiếp nhận bản công bố.
Ngoài ra, theo Alama, HIUP cũng đã được kiểm nghiệm độc lập bởi Trung tâm Kiểm nghiệm và Tư vấn Khoa học – Công nghệ AVATEK.
Doanh nghiệp cho biết HIUP được nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng tài liệu khoa học uy tín và thông tin tư vấn chuyên môn từ các đối tác trong lĩnh vực dinh dưỡng.
Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận một số nội dung truyền thông trước đây có thể chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu sai lệch, ví dụ như việc cho rằng chỉ cần sử dụng sản phẩm Hiup là có thể đạt được hiệu quả tăng trưởng chiều cao như mong muốn.
“Alama đã rà soát và điều chỉnh toàn bộ hoạt động truyền thông, gỡ bỏ các nội dung chưa chuẩn hóa để đảm bảo tuân thủ đúng Luật Quảng cáo và các quy định liên quan”, doanh nghiệp cho hay.
BTV Quang Minh cũng lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân liên quan đến việc anh từng quảng cáo một thương hiệu sữa. Anh cho biết bản thân không phải là bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng và cũng chưa từng có ý định đứng ra bảo đảm hay khẳng định giá trị y học của bất kỳ sản phẩm nào.
Quang Minh giải thích anh xuất hiện trong các video quảng bá đó như một lời giới thiệu, dựa trên những thông tin mà phía nhãn hàng cung cấp, trong khuôn khổ một hợp đồng truyền thông hợp pháp và trải nghiệm của bản thân, gia đình trong một thời gian.
Hiện chưa có mối quan hệ rõ ràng giữa sản phẩm HIUP 27 do Alama Việt Nam phân phối và sản phẩm sữa HIUP bị FDA Thái Lan nhắc tên.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng thiết yếu và nhanh cho nhiều người, đặc biệt là trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, bệnh nhân sau phẫu thuật, ung thư… Những đối tượng này đều cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và khoa học trong thời gian dài.
"Nếu trẻ sơ sinh uống phải sữa giả, về lâu dài sẽ thiếu dinh dưỡng và vi chất, dẫn tới chậm phát triển và có nguy cơ mắc những bệnh lý khác. Phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng tới không chỉ người mẹ, mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, vì nguy cơ thiếu hụt các chất cần thiết cho sự hoàn thiện các cơ quan quan trọng của thai nhi", Bác sĩ Cường nói.
Theo bác sĩ, các đối tượng bệnh nhân khác như tiểu đường, sau phẫu thuật hoặc suy thận, ung thư; ngoài điều trị thuốc theo phác đồ, cần một nguồn dinh dưỡng lớn bổ sung, nếu uống sữa giả, sẽ không đảm bảo dinh dưỡng, ảnh hướng trực tiếp tới kết quả điều trị, nguy hiểm hơn nữa, một số loại sữa giả có những chất không rõ nguồn gốc, có thể gây ngộ độc cho người dùng.
"Điều nguy hiểm đáng nói, là những loại sữa giả này được quảng cáo rầm rộ, thâm nhập được vào các nhà thuốc gần bệnh viện, thậm chí trong bệnh viện. Trong khi nhân viên y tế thực ra không hề có chuyên môn và không được tập huấn về các loại sữa này, vì bản chất nó là thực phẩm bổ sung chứ không phải là thuốc. Do vậy, có thể tư vấn cho bệnh nhân mua phải những loại sữa này mà không hề biết", bác sĩ đưa cảnh báo.
Trung tâm thương mại Aeon Hải Dương vừa được khởi công xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.
Khu phức hợp sân golf Vinpearl Hòn Tre tại Khánh Hòa dự kiến triển khai trong hai năm, vận hành từ 2027, phục vụ 2.000 khách một ngày.
Ưu tiên bây giờ của nhiều nhân sự trẻ đi làm là muốn gặp được sếp tốt và công ty ghi nhận thay vì muốn lương cao như các thế hệ trước. Startup Kamereo đã đáp ứng được nhu cầu đó, nên tỷ lệ nghỉ việc ở đây đã giảm xuống 5% - một con số mơ ước của hầu hết SMEs Việt Nam.
Hồi sinh cửa hàng cao cấp ở TP HCM tại mặt bằng giá thuê gần 2 tỷ đồng, Starbucks bán các món đồ uống giá tới hơn 200.000 đồng mỗi ly.