Thái Lan sẽ mất 29 triệu USD vì lệnh cấm nhập khẩu siro đường của Trung Quốc

Theo ước tính ban đầu, lệnh cấm này gây thiệt hại khoảng 300-400 triệu baht, nhưng hiện tại con số này có thể lên đến 1 tỷ baht (tương đương 29 triệu USD).

 

Các doanh nghiệp Thái Lan dự kiến sẽ chịu tổn thất lên tới 1 tỷ baht (tương đương 29,5 triệu USD) do lệnh cấm của Trung Quốc đối với xuất khẩu siro đường và bột pha chế sẵn từ Thái Lan, khiến các lô hàng bị mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc, theo Reuters.

Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu siro và bột pha chế sẵn từ Thái Lan – quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới – vào tháng 12 với lý do lo ngại về vấn đề vệ sinh tại các nhà máy.

“Ban đầu, chúng tôi ước tính thiệt hại khoảng 300-400 triệu baht, nhưng hiện tại con số này có thể lên đến 1 tỷ baht,” ông Todsaporn Ruangpattananont, Chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm Đường Thái Lan, nói với Reuters.

Ông Todsaporn, đại diện cho 44 nhà máy đường chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc, cho biết ông đã gửi thư tới chính phủ Thái Lan, yêu cầu đẩy nhanh các cuộc đàm phán với giới chức Trung Quốc. “Đường vẫn đang nằm tại các cảng của Trung Quốc, và chúng tôi phải trả tiền phạt mỗi ngày,” ông nói thêm.

Năm ngoái, Thái Lan là nhà cung cấp chính siro đường cho Trung Quốc, với hơn 1,2 triệu tấn được xuất khẩu, theo công ty dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow.

Lệnh cấm này đã gây áp lực lên giá đường toàn cầu đầu tháng này, với giá đường trắng trên sàn giao dịch ICE xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Todsaporn cho rằng một trong những lý do khiến Trung Quốc đưa ra lệnh cấm là nhằm bảo vệ các nhà sản xuất đường trong nước, do lượng nhập khẩu từ Thái Lan gia tăng.

“Việc viện lý do về chất lượng đường của chúng tôi là hoàn toàn không hợp lý,” ông nói. “Trước đây, chưa từng có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm của chúng tôi có vấn đề về chất lượng.”

Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu Thái Lan kiểm tra hàng chục nhà máy trước khi mở lại đàm phán để dỡ bỏ lệnh cấm, do lo ngại về vấn đề vệ sinh nhà máy.

Chính phủ Thái Lan đã gửi danh sách các nhà máy được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan, cùng các quy định về an toàn thực phẩm hiện hành, tới Trung Quốc vào ngày 14/1.

Ông Rangsit Hiangrat, Giám đốc Hiệp hội Nhà máy Đường Thái Lan, đại diện cho 46 nhà máy trên cả nước, cũng đã kêu gọi chính phủ Thái Lan đẩy nhanh tiến trình đàm phán. “Các nhà máy đường Thái Lan đã được chứng nhận tiêu chuẩn và xuất khẩu ra thế giới,” ông nói, đồng thời khẳng định nhiều nhà máy sẵn sàng cho việc kiểm tra.

Nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ, nhu cầu đối với đường Thái Lan có thể giảm 1 triệu tấn trong năm nay – tương đương với lượng đường đã được sử dụng để sản xuất siro đường và bột pha chế sẵn vào năm ngoái, theo ông Todsaporn.

“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá đường trong nước,” ông nói. “Chúng tôi sẽ không mua thêm đường nữa vì kho của chúng tôi đã đầy ắp.”

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Gắn 'hộ chiếu' để tôm hùm xuất khẩu chính ngạch

Nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm tôm hùm, ngành thủy sản tỉnh Phú Yên đã thí điểm triển khai gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Thương mại Việt Nam - Singapore tăng trưởng trên 15%

Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng hết sức ấn tượng trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Singapore, với 10 tháng trên 12 tháng có mức tăng trưởng trên 15%.

Việt Nam sẽ có thêm 1,7 tỷ kWh mỗi năm điện nhập khẩu từ Lào

Đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đóng điện vào tối 23/1.

Dự báo giá heo hơi ngày 25/1: Một số khu vực có thể đi ngang nhờ nguồn cung ổn định

Với lượng heo hơi được đẩy ra thị trường có chiều hướng tăng trong những ngày sát Tết, các chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai có thể tiếp tục đi ngang tại nhiều địa phương.