Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng.
Kết quả thanh tra cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancas) chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm lại ở mức thấp, tỷ lệ huỷ hợp đồng có nơi lên tới hơn 70%.
Với quy mô doanh số bảo hiểm qua kênh bancas ở mức cao, giá trị hợp đồng bảo hiểm bị huỷ bỏ ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền khách hàng mất đi khi dừng hợp đồng ngay trong năm đầu.
Cùng với đó, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Cụ thể, tại Prudential có 39 trường hợp, tại MB Ageas Life có 41 trường hợp, tại BIDV Metlife có 21 trường hợp; tại Sun Life có 44 trường hợp.
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 của Prudential Việt Nam cho thấy doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancas đạt hơn 6.184 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Cụ thể, công ty phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh bancas, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancas là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Năm 2021, Prudential triển khai bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng bao gồm: VIB, MSB, PVcomBank, SeABank, Standard Chartered Việt Nam, Vietbank, UOB và ShinhanBank. Mức chi trả cho các đại lý bảo hiểm là ngân hàng là 1.972 tỷ đồng.
Cũng trong năm, công ty nhận được 1.799 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh bancas. Qua công tác điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, công ty phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.
Với MB Ageas Life, trong năm 2021 công ty triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng Quân đội (MB) và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (M.Credit).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancas đạt 4.466 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 2.821 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, công ty phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancas. Trong đó 3.946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 5,91% ) và khoảng 32,4% hợp đồng bị chấm dứt sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất).
Tại Sun Life Việt Nam, trong năm 2021, công ty triển khai bán bảo hiểm thông qua hai tổ chức tín dụng là ACB và TPBank.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 2.038 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1.908 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới.
Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua TPBank đạt gần 790 tỷ đồng (chiếm 38,74%).
Năm 2021, Công ty phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancas, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 4,05% ). Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, qua ACB là 39%.
Cũng trong năm này, công ty thực hiện 78.564 cuộc gọi cho hợp đồng đã phát hành mới theo quy trình Welcome Call, ghi nhận 687 ca khiếu nại của khách hàng.
Tại BIDV Metlife, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt 452,6 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, Công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancas, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm; có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm.
Thêm nữa, trong năm nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, đơn vị này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.