Kinh tế Quốc tế 13/11/2024 07:55

Thay vì phát tiền trực tiếp cho dân để thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc đặt cược vào một nơi khác

Gói kích thích tài khoá 1.400 tỷ USD của Bắc Kinh tập trung vào việc hỗ trợ các chính quyền địa phương xử lý nợ nần, không có điều khoản giúp đỡ chi tiêu của các hộ gia đình hay củng cố thị trường bất động sản.

(Hình minh họa: Nikkei Asia). 

Vào ngày 8/11, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công bố kế hoạch tài khóa lớn nhất trong vài năm gần đây để kích thích nền kinh tế. Kế hoạch này trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) và tập trung vào việc giải quyết núi nợ ẩn của các chính quyền địa phương.

Trái với kỳ vọng của một số nhà đầu tư, kế hoạch trên không có khoản mục hỗ trợ chi tiêu của các hộ gia đình và gỡ rối cho thị trường bất động sản. Chỉ số Hang Seng China Enterprises - thước đo các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong - sụt 1,4% trong phiên 11/11.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh là không đủ để tạo ra cú hích đáng kể cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là nếu hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế quan mạnh hơn khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Kế hoạch kích thích mới nhất của Trung Quốc là gì?

Hôm 8/11, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an công bố kế hoạch lớn nhằm tái cấu trúc các khoản “nợ ẩn” của chính quyền địa phương. Phần lớn số nợ này nằm trong bảng cân đối kế toán của những doanh nghiệp mà giới chức địa phương dùng để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng.

Các chính quyền địa phương sẽ được phép phát hành 6.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) trái phiếu mới trong ba năm tiếp theo và tái phân bổ 4.000 tỷ NDT trong chương trình trái phiếu trước đó trong 5 năm tới.

Bộ trưởng Lan cho biết giới chức đang “nghiên cứu” các bước để tái cấp vốn cho những ngân hàng lớn, mua bất động sản dang dở và củng cố tiêu dùng.

Vì sao Trung Quốc tập trung vào nợ của chính quyền địa phương?

Các chính quyền địa phương là động cơ chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc và là nhà cung cấp vốn đầu tư quan trọng cho sự tăng trưởng của từng khu vực, do bản thân chính quyền trung ương khá ngần ngại với việc vay nợ.

Tại nhiều vùng, giới chức phải dùng công ty huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV) để tài trợ các khoản đầu tư vào những lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài sản tài chính.

Song, nhiều khoản đầu tư trong số đó có rủi ro cao và lợi nhuận thấp. Khi thị trường bất động sản xuống dốc, gánh nặng nợ nần của LGFV trở nên không bền vững, làm suy yếu tình hình tài chính của chính quyền và đè nặng lên tăng trưởng. Để vá lỗ hổng tài chính, chính quyền buộc phải truy thu thuế từ nhiều năm trước, làm tổn thương tâm lý nhà đầu tư.

Kế hoạch mới có đủ để giải quyết núi nợ ẩn?

Chương trình tái cấu trúc nợ sẽ cho phép chính quyền địa phương ghi nhận nợ ẩn của LGFV vào bảng cân đối kế toán và chuyển đổi chúng thành các khoản nợ có thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn.

Bộ Tài chính Trung Quốc dự đoán khối nợ của các LGFV sẽ giảm từ mức hiện nay là khoảng 14.000 tỷ NDT xuống còn 2.000 tỷ NDT vào năm 2028.

Tuy nhiên, con số Bộ Tài chính Trung Quốc có thể đã quá lạc quan. Theo tờ Financial Times, các nhà phân tích độc lập ước tính nợ của các LGFV thực chất có thể lên đến 60.000 tỷ USD.

Ông Ren Tao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tài chính và Phát triển Thượng Hải, lưu ý rằng các chính quyền địa phương vẫn sẽ duy trì đòn bẩy nợ lớn vì chính quyền trung ương không san sẻ gánh nặng trả nợ.

Vì sao Bắc Kinh không trực tiếp kích thích tiêu dùng?

Bắc Kinh lập luận rằng thông qua việc khôi phục sức khỏe của các chính quyền địa phương, họ đang đặt nền móng cho sự tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế trong tương lai. Nhưng các nhà phân tích cho biết việc hoán đổi nợ không có tác dụng kích thích bởi chúng không tạo ra thêm chi tiêu trong nền kinh tế.

Giới đầu tư đã hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có thêm những động thái như mua lại một số căn nhà ế hoặc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình. Lưu ý của các nhà phân tích Citi có đoạn: “Việc gói kích thích thiếu vắng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là kích thích tiêu dùng, gây ra sự thất vọng”.

Nhiều nhà kinh tế tin Bắc Kinh có thể đang dự trữ “hỏa lực” tài khóa cho đến khi kế hoạch thuế quan của ông Trump trở nên rõ ràng hơn.

Bà Jacqueline Rong, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas, nhận xét: “Các nhà hoạch định chính sách rất khó có thể đặt ra biện pháp để củng cố nền kinh tế trước khi biết đòn giáng thuế quan sẽ như thế nào. Mọi biện pháp kích thích tăng trưởng cần ở trong chế độ chờ và đợi”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 14/11/2024 09:58
Nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào ‘Trump trade’, kết quả tương lai có khả quan?

Phố Wall đang đổ tiền vào “Trump trade” - chiến lược giao dịch được cho là có thể hưởng lợi từ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Tuy nhiên, CNBC cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng.

Kinh tế Quốc tế 14/11/2024 07:30
Ông Trump đề cử cái tên gây tranh cãi làm Bộ trưởng Tư pháp

Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Hạ nghị sĩ Matt Gaetz làm người dẫn dắt Bộ Tư pháp trong chính quyền mới dù ông Gaetz chưa từng có kinh nghiệm làm công tố viên.

Kinh tế Quốc tế 14/11/2024 06:49
S&P 500, Dow Jones gần như đi ngang khi động lực tăng giá hậu bầu cử tan biến

S&P 500 và Dow Jones chốt phiên gần như đi ngang còn Nasdaq Composite quay đầu giảm trong phiên 13/11 khi động lực tăng giá từ chiến thắng của ông Trump dần tan biến.

Kinh tế Quốc tế 14/11/2024 06:31
Dự án mới của Elon Musk: Bước chân vào con đường chính trị, phục vụ chính quyền ông Trump

Ngoài điều hành 6 doanh nghiệp cùng một lúc, Elon Musk bây giờ còn đảm nhận thêm một dự án mới: một vai trò trong chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.