Theo các nguồn tin và giới phân tích, việc nhóm này tăng sản lượng là một "canh bạc" do nhu cầu yếu, trong khi việc cắt giảm sản lượng sâu hơn cũng gặp trở ngại bởi mong muốn bơm thêm dầu của một số thành viên.
OPEC+, chiếm khoảng 50% nguồn cung dầu toàn cầu, đã nhiều lần hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong năm nay và có thể tiếp tục trì hoãn trong cuộc họp ngày 1/12 tới do nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.
Một nguồn tin giấu tên cho biết: "Việc trì hoãn tăng sản lượng đến quý I/2025 không phải là phương án mà nhiều quốc gia thành viên mong đợi, nhưng cũng khó có sự phản đối mạnh mẽ". Hai nguồn tin khác từ OPEC+ cho rằng còn quá sớm để nói nhóm sẽ quyết định điều gì.
OPEC+ từng dự kiến tăng sản lượng dần dần trong năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và toàn cầu, cùng với sản lượng tăng từ các nhà sản xuất ngoài OPEC+, đã làm gián đoạn kế hoạch này.
Hiện nhóm vẫn duy trì mức cắt giảm 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu dầu toàn cầu, để hỗ trợ giá dầu kể từ năm 2022. Dù vậy, giá dầu năm nay phần lớn dao động trong khoảng 70-80 USD/thùng.
Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu OPEC, đang tập trung xử lý vấn đề nội bộ về việc một số thành viên OPEC+ không tuân thủ mục tiêu sản lượng trước khi tiến hành bất kỳ đợt tăng sản lượng nào cho cả nhóm. Hiện tại, mức độ tuân thủ thỏa thuận đã được cải thiện, khi các nước như Iraq mới đây đã giảm sản lượng. Điều này có thể tạo điều kiện cho nhóm tăng sản lượng một chút nếu nhu cầu cho phép.
Tuy nhiên, việc tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng yếu có thể khiến giá giảm. Đây là chiến thuật OPEC+ có thể sử dụng để gây áp lực lên các đối thủ, nhưng cũng sẽ gây thiệt hại cho các nước OPEC+ phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Nhiều thành viên OPEC cần giá dầu trên 70 USD/thùng để cân bằng ngân sách và không thể chịu đựng được thời gian dài giá dầu ở dưới mức 50 USD/thùng.
Thị phần giảm dần của OPEC+ đang dẫn đến đồn đoán rằng sớm muộn gì nhóm cũng sẽ phát động một “cuộc chiến giá thấp” để đẩy các đối thủ ra ngoài cuộc chơi. Lần gần nhất OPEC làm điều này là vào năm 2014-2015, khi nhóm tăng sản lượng để gây sức ép lên các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của OPEC+ hiện chiếm 48% nguồn cung thế giới, mức thấp nhất kể từ khi nhóm được thành lập vào năm 2016 với thị phần hơn 55%.
Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 20 triệu thùng/ngày, chiếm 1/5 sản lượng toàn cầu. Sản lượng dầu thô của Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu OPEC, chiếm chưa đến 9% tổng sản lượng dầu toàn cầu, trong khi OPEC cung cấp khoảng 25%.
Cuộc chiến giá năm 2014 đã tác động mạnh đến các nhà sản xuất dầu đá phiến nhưng cuối cùng không ngăn chặn được sự bùng nổ của ngành này. Dầu đá phiến của Mỹ và các nhà sản xuất khác cũng đã cắt giảm chi phí theo thời gian, khiến OPEC+ khó giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến mới nào.
Chi phí sản xuất dầu tại Trung Đông ước tính trung bình khoảng 27 USD/thùng, trong khi tại Bắc Mỹ là 45 USD/thùng, giảm đáng kể so với mức 85 USD/thùng của năm 2014. Trong hai năm qua, các tập đoàn lớn của Mỹ như Exxon Mobil và Chevron đã mua lại một số nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất. Họ có nguồn lực tài chính mạnh và danh mục đầu tư đa dạng.
Ông Richard Bronze, chuyên gia tại Energy Aspects, nhận định: "Chúng tôi cho rằng khả năng xảy ra cuộc chiến giá dầu đang bị thổi phồng. OPEC+ hiện đã nhận thức rằng sản lượng từ Mỹ và các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ không thể sụt giảm nhanh chóng".
Triển vọng OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu hơn cũng gặp khó khăn, khi một số thành viên, như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), đang thúc đẩy tăng sản lượng. UAE cho rằng mức sản lượng khoảng 3 triệu thùng/ngày hiện nay là quá thấp so với năng lực của họ.
Các nguồn tin OPEC+ cho biết UAE đã đạt được hạn ngạch cao hơn cho năm 2025, và bất kỳ kế hoạch trì hoãn nào cũng cần giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Iraq cũng đang kêu gọi tăng hạn ngạch.
Các nhà phân tích tại tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie cho biết triển vọng OPEC+ tăng sản lượng trong nửa đầu năm 2025 có vẻ mong manh do nhu cầu suy yếu theo mùa. Chuyên gia Walt Chancellor từ tập đoàn Macquarie nói: "Chúng tôi cho rằng việc cắt giảm sâu hơn, điều cuối cùng có thể cần thiết để hỗ trợ giá dầu vào năm tới, sẽ khó có thể được các thành viên OPEC+ chấp nhận".
Giá dưa hấu giảm hơn một nửa so với đầu năm, về quanh 2.000-4.000 đồng một kg tại ruộng, khiến nông dân trồng ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long lỗ nặng.
Ngày 23/11 (giờ địa phương), các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Giá dầu vào cuối năm 2026 được dự báo sẽ giảm xuống còn 60 USD/thùng, thấp hơn khoảng 20% từ mức giá hiện tại và khoảng 25% từ mức giá trung bình 80 USD/thùng của năm 2024.
Giá gạo Việt Nam giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn dù Ấn Độ quay lại thị trường.