Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 09:46

Thời điểm vàng cho xe điện tại Việt Nam, hứa hẹn tạo ra hơn 6 triệu việc làm mới

Ô nhiễm và tắc nghẽn là hai yếu tố khiến chính quyền quyết tâm thúc đẩy xe điện.

Thu phí ùn tắc giao thông đang thu hút sự chú ý tại các thành phố lớn ở châu Á. Tại Thái Lan và Việt Nam cơ quan chức năng đang triển khai kế hoạch thu phí ô tô di chuyển trong khu vực trung tâm. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần cắt giảm khí thải CO2 và kiểm soát ô nhiễm không khí.

Việt Nam nghiên cứu việc thu phí ùn tắc tại Hà Nội, với khoảng 100 điểm thu phí ở khu vực giáp ranh ngoại ô. Một kế hoạch cấm xe chạy bằng động cơ đốt trong (xăng/dầu) ở các khu vực nhất định tại Hà Nội có thể được áp dụng từ năm 2030. Trước đó, từ năm 2025, việc cấm xe máy sẽ được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả.

Thúc đẩy xe điện là một trong những biện pháp giảm ô nhiễm được các quốc gia lựa chọn. (Ảnh: Đức Huy).

Tình trạng ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở các thành phố châu Á. Khi dân số đô thị tăng nhanh nhờ sự phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông công cộng không theo kịp. Điều này gây tổn thất kinh tế lớn cho người dân.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải Việt Nam, ùn tắc giao thông khiến Hà Nội mất hơn 1 triệu giờ lao động mỗi năm. Thiệt hại kinh tế ước tính từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ USD mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng thuộc hàng nghiêm trọng nhất thế giới.

Chính phủ Thái Lan cũng đề xuất thu phí 40 đến 50 baht mỗi ngày (tương đương 1,16 đến 1,45 USD) đối với các phương tiện di chuyển qua trung tâm Bangkok. Các chi tiết cụ thể như khu vực thu phí và phương thức thu sẽ được quyết định vào năm 2025.

Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 700.000 phương tiện lưu thông qua trung tâm Bangkok. Thu phí ùn tắc dự kiến mang lại doanh thu khoảng 10 tỷ baht mỗi năm. Khoản tiền này dự kiến sẽ được sử dụng để giới hạn giá vé tàu điện địa phương ở mức 20 baht.

Thái Lan và Việt Nam cam kết đạt mức trung hòa carbon và phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, việc sử dụng xe điện ở hai thị trường này vẫn còn hạn chế so với châu Âu và Trung Quốc. Thu phí ùn tắc là một phần trong nỗ lực giảm số lượng xe chạy bằng xăng. Các nước cũng dự kiến triển khai các chương trình thúc đẩy việc sử dụng xe điện.

Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2030 có 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh và đến năm 2050 tất cả các xe phải dùng năng lượng điện, sạch.

Tại sự kiện diễn ra ngày 22/11, Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán để đạt mục tiêu 100% xe buýt công cộng nội đô là xe điện vào năm 2030, Việt Nam cần loại bỏ 9.600 xe buýt chạy dầu diesel hiện đang hoạt động và sắp hết tuổi thọ. 

Trong khi đó, Việt Nam cũng cần bổ sung thêm xe buýt điện theo Quyết định 876 của Thủ tướng đến năm 2030, Hà Nội và TP HCM lần lượt cần thêm khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện.

Theo WB, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu, trong giai đoạn 2024-2050. Chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo ra 6,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tính đến năm 2050, giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ với mức giảm là 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050.

Không riêng Việt Nam và Thái Lan, các nước khác trên thế giới cũng áp dụng thu phí ùn tắc và thúc đẩy xe điện. Tại Ấn Độ, chính quyền sắp áp dụng thu phí ùn tắc tại 13 khu vực trung tâm ở Delhi. Mức phí sẽ được thu trong giờ cao điểm từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng và từ 5 giờ 30 chiều đến 7 giờ 30 tối, theo thông tin từ báo chí địa phương. Một chương trình tương tự cũng đang được xem xét tại Bengaluru, một thành phố lớn ở miền Nam.

London, Stockholm và Singapore đã áp dụng thu phí ùn tắc. Tại London, cơ quan giao thông cho biết, lưu lượng xe trong khu vực thu phí vào ngày thường đã giảm 18% kể từ khi chương trình được áp dụng năm 2003.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, giao thông vận tải chiếm 13% lượng phát thải CO2 của châu Á vào năm 2018.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 11:37
Local brand Việt: Từ bóng tối sân nhà đến hào quang quốc tế

Trong khi nhiều thương hiệu nội địa lặng lẽ đóng cửa vì không trụ vững trên sân nhà, một số cái tên như LSOUL lại vươn ra thế giới, ghi dấu ấn với sự sáng tạo và độc đáo. Thời trang Việt đang đứng trước ngã rẽ lớn, giữa thách thức và cơ hội để khẳng định vị thế của mình.

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 11:35
Phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội hút hơn 1.300 hồ sơ tham dự

Phiên đấu giá 34 thửa đất ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất có hơn 1.300 hồ sơ đăng ký, tương đương tỷ lệ 1 chọi 38.

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 10:55
Cạnh tranh khốc liệt, Starbucks Trung Quốc có thể phải bán mình

Chuỗi cà phê Mỹ Starbucks được cho đang cân nhắc bán cổ phần tại đất nước tỷ dân.

Kinh doanh & Thị trường 26/11/2024 10:21
Sự giống nhau đến khó tin giữa BYD và Huawei, liệu ông lớn xe điện có dẫm phải vết xe đổ như đồng hương?

Đang dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia trên những chiếc xe điện kết nối thông minh, tương tự những gì diễn ra với smartphone Huawei đã từng.