08/01/2025 20:09

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá

Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.(Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2024 là năm có sự chuyển biến rõ rệt trong điều hành kinh tế vĩ mô với mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt và kịp thời đã kết hợp hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Năm 2024, tín dụng đạt tăng trưởng 15,08%, đúng mục tiêu đề ra. Ngoài ra, trước đó NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Cùng với đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Xây dựng cho phép các tổ chức tín dụng không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tín dụng.

 Năm 2024, tín dụng đạt tăng trưởng 15,08%, đạt mục tiêu đề ra trong năm (15%). 

Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng đã học hỏi từ các sự cố trước đó, đưa ra các cải cách và sửa đổi quy định trong Luật Tổ chức tín dụng theo hướng chủ động, cải thiện công tác kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin.

Năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng; còn 2 ngân hàng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới NHNN sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao.

Thống đốc cũng cho hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gặp khó khăn trong tái cơ cấu và cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương. Để tái cơ cấu thành công, cơ sở dữ liệu quốc gia đóng vai trò quan trọng.

"Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung ưu tiên xây dựng và làm giàu hệ thống dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Qua đó, giúp cho việc quản lý nhà nước nói chung, quản lý hoạt động ngân hàng, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho việc minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế", Thống đốc kiến nghị. 

 

Ngoài ra, NHNN cũng chú trọng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng với hơn 90% giao dịch được xử lý qua kênh số. Cơ sở dữ liệu dân cư từ Đề án 06 đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và ngăn ngừa tội phạm ngân hàng.

Bên cạnh công tác điều hành kinh tế, ngành ngân hàng cũng tích cực tham gia an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Thống đốc cho biết NHNN sẽ tập trung vào chủ đề "tăng tốc, bứt phá", tiếp tục bám sát tình hình và phối hợp hiệu quả CSTT với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. NHNN sẽ khai thác mạnh cầu trong nước, tận dụng lợi thế dân số hơn 100 triệu người, đồng thời đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số và tìm nguồn vốn từ cả trong và ngoài nước.

Minh Nguyệt