Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Cả ba con số này đều tăng phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.
Trong khi xu thế đầu tư FDI chung của thế giới đang có sự sụt giảm, tín hiệu lạc quan này cho thấy Việt Nam vẫn có sức hút đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia đều chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư năm 2025. Trong nửa đầu năm, nhiều tên tuổi lớn thế giới đã công bố mở rộng đầu tư ở Việt Nam như: Qualcomm mua lại công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của VinAI; Tập đoàn Syre (Thụy Điển) vừa ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester khoảng 1 tỷ USD; Apple liên tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam thông qua các đối tác,...
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn từ đại dịch, việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chọn Việt Nam làm nơi mở rộng sản xuất cho thấy vị trí địa lý chiến lược của nước ta. Đồng thời, môi trường chính trị ổn định và lực lượng lao động lành nghề,... cũng tạo nên sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam không chỉ tập trung thu hút vốn mà còn chú trọng vào chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI. Cách tiếp cận có chọn lọc này đã giúp dòng vốn không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn góp phần tạo ra một nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.
Những dự án công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến từ các tập đoàn lớn đã mang lại nhiều cơ hội việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc toạ đàm với đại diện các doanh nghiệp Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh: VGP).
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn tin tưởng vào Việt Nam ngay cả trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố bất định. Tại các cuộc họp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoàitrong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, lâu dài, bền vững.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng nhân lực và "bộ tứ trụ cột" về phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế, xây dựng và thực thi pháp luật; triển khai cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, các khu thương mại tự do…
Thủ tướng nhấn mạnh, phía Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và cùng các đối tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Những chia sẻ của Thủ tướng vừa là lời khẳng định Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài vừa là định hướng cho các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư FDI.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam diễn ra sáng 28/6, ông Matt Ryland, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Anh (BritCham) tại Việt Nam cho biết năm 2024, tổng giá trị kinh doanh thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 8 tỷ bảng Anh.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Anh đạt 6,8 tỷ bảng Anh, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 1,3 tỷ bảng Anh. Đầu tư của Anh vào Việt Nam hiện nay đạt 1,3 tỷ bảng Anh và sẽ tiếp tục tăng ở nhiều lĩnh vực như năng lượng, y tế, tài chính.
Theo đại diện BritCham, những con số này đã thể hiện sự tin tưởng lâu dài của Anh đối với Việt Nam như một nền kinh tế năng động và một đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư nơi đây với gần 3/4 lãnh đạo doanh nghiệp (72%) cho biết họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, theo Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) công bố ngày 30/6.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, đánh giá mức tăng này cho thấy sự tin tưởng bền bỉ vào triển vọng tăng trưởng có cấu trúc của Việt Nam, ngay cả khi bối cảnh ngắn hạn vẫn còn nhiều bất định. Khi các cải cách tiếp tục được triển khai, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam duy trì sự kỳ vọng tích cực – nhưng với một cái nhìn thực tế.
Biểu đồ tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2012-2025. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Cục Thống kê).
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất định, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế.
6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả phát triển kinh tế xã hội khá toàn diện, tăng trưởng cao, "ngược chiều" với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới.
Thông tin tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cho biết tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Trong đó, thu NSNN, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đều ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật; đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về thể chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền, thực hiện ba đột phá chiến lược; đàm phán thương mại với Mỹ và hội nhập quốc tế.
Ngày 2/7 vừa qua, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao.
"Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024 (cao nhất từ năm 2009).
Tập đoàn Vingroup đề xuất hai phương án tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hạ Long 350 km/h đi qua ga Yên Viên hoặc không đi qua ga này.
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh 679 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Dầu Giây và cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp nhận.
Theo Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 219,34 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 212,15 tỷ USD, tăng lần lượt 14,2% - 17,9% so với cùng kỳ năm trước.