Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính năm 2024. Dù thị trường bảo hiểm trong năm qua gặp không ít biến động, nhưng mức chi trả lương cho nhân viên trong ngành này vẫn thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động.
Trong số doanh nghiệp được theo dõi, nhóm bảo hiểm nhân thọ chiếm thị phần lớn như Bảo Việt Nhân thọ, Manulife, AIA, FWD, Prudential tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mức độ “chịu chi” cho đội ngũ nhân sự.
Thu nhập nhân viên bảo hiểm nhân thọ ngày càng trở nên phân hoá mạnh hơn. Khoảng cách giữa doanh nghiệp chi nhiều nhất và chi thấp nhất đã tăng từ 78,6 triệu đồng/tháng vào năm 2023 lên 80,4 triệu đồng/tháng trong năm 2024.
Theo thống kê, "ông lớn" Manulife chiếm vị trí đầu bảng về độ chịu chi cho nhân viên, vượt qua Bảo Việt Nhân thọ và ngày càng bỏ xa các doanh nghiệp còn lại và cả các nhà băng.
Hàng tháng, mức chi bình quân tháng cho mỗi nhân viên Manulife lên tới gần 102 triệu đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức thu nhập cao nhất của nhóm ngân hàng là 72 triệu đồng (HSBC), riêng nhóm ngân hàng trong nước cao nhất là 49 triệu đồng (Techcombank). Con số này gấp 13,2lần thu nhập bình quân lao động cả nước (7,7 triệu đồng/tháng - GSO).
Tại Manulife, tổng quỹ lương, thưởng và các phúc lợi khác cho cán bộ nhân viên trong năm 2024 là 2.210 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Dù quỹ lương tăng mạnh, số lượng nhân viên lại ghi nhận xu hướng giảm nhẹ, từ 1.153 người còn 997 người vào cuối năm 2024 (giảm 156 người).
Đứng thứ hai trong danh sách thu nhập là nhân viên của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam). Số nhân viên của công ty này ghi nhận hai năm giảm liên tiếp, vào cuối năm 2024 là 790 người, giảm 127 so với năm 2023, giảm 253 người so với năm 2022.
Tuy số lượng nhân viên có giảm đi nhưng mức chi lương bình quân của mỗi nhân viên AIA Việt Nam lên đến khoảng 93,5 triệu đồng/tháng/người, tăng 11,8% so với năm trước.
Để chi trả mức lương cao ngất ngưởng trên cho gần 790 nhân viên, chi phí cho người lao động của AIA Việt Nam trong năm 2024 là gần 958 tỷ đồng.
FWD giữ vị trí ba về mức đãi ngộ cho nhân viên khi năm 2024, doanh nghiệp này đã chi hơn 56 tỷ đồng để trả lương và các chi phí liên quan cho người lao động. Mức bình quân mà FWD Việt Nam chi cho một nhân viên là khoảng 82,1 triệu đồng/tháng trong khi con số này ở năm ngoái từng lên gần 94 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, đứng sau FWD về mức chi cho nhân viên là Bảo Việt Nhân thọ. Trong năm 2024, doanh nghiệp này chi hơn 2.120 tỷ đồng cho tiền lương và phúc lợi, tăng gần 23% so với năm trước.
Tính đến cuối năm, công ty có 2.224 nhân viên với mức thu nhập bình quân tương đương khoảng 79,6 triệu đồng/tháng/người, tăng 22,7% so với năm 2023.Ngoài tiền lương, công ty cũng chi hơn 1.428 tỷ đồng trả hoa hồng và 1.223 tỷ đồng khen thưởng, hỗ trợ đại lý.
Trong khi đó, Prudential đứng vị trí thứ 5 về thu nhập nhân viên, tính đến cuối năm 2024, số nhân viên của Prudential là 1.545 người, giảm 143 người so với đầu năm. Với chi phí lương là 1.462 tỷ đồng, có thể ước tính rằng bình quân mỗi tháng, Prudential chi cho mỗi nhân viên 75,4 triệu đồng/người. Mức chi phí này chưa tính đến tiền thưởng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm.
Mức lương này không chỉ cao gấp gần 10 lần thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2024 mà còn gấp 2,3 lần mức lương bình quân của nhân viên ngân hàng (32 triệu đồng/tháng/người).
Dù ngành ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực có thu nhập cao tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu đang bỏ xa về mức đãi ngộ. Ngay cả Techcombank, ngân hàng nội dẫn đầu về chi lương, cũng chỉ đạt 49 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp bảo hiểm top đầu.
Ngoài nhóm Top 5 nói trên, trong số còn lại MVI Live (tiền thân làAviva Việt Nam) vẫn duy trì mức đãi ngộ ổn định cho nhân viên với chi phí bình quân 65 triệu đồng/tháng trong năm 2024, tăng 2% so với năm trước. Với số lượng nhân sự không thay đổi quá lớn, đây là mức thu nhập khá cạnh tranh trong bối cảnh ngành bảo hiểm còn nhiều biến động.
Sun Life đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng khi chi bình quân 60,9 triệu đồng/tháng tăng 12,6% so với năm trước. Generali và Shinhan Life có mức chi dao động quanh 41 triệu đồng/tháng. Trong khi chi phí bình quân cho nhân viên Generali tăng 13%, thì Shinhan Life lại là doanh nghiệp ghi nhận mức giảm nhiều nhất năm qua (giảm 20,2%).
Một số doanh nghiệp khác như Chubb Life, BIDV Metlife, Cathay Life, Hanwha Life, Dai-ichi Life có mức chi dao động từ 21–40 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, Hanwha Life ghi nhận mức tăng chi phí cao nhất toàn ngành, lên tới 32,7%, dù vẫn thuộc nhóm chi trả thấp hơn.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 vừa được Tổng Cục Thống kê công bố cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I ước đạt 56.575 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 34.561 tỷ đồng, tăng 3%; doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.014 tỷ đồng, tăng 10,6%.
Trong báo cáo ngành bảo hiểm gần nhất, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 8% trong năm 2025.
Về khía cạnh đầu tư trở lại nền kinh tế, các chuyên gia cùng quan điểm theo Bộ Tài chính ước tính của các doanh nghiệp phi nhân thọ ước tăng 5,77%, từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 5,4% so với năm 2024.