Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan mạnh tay lên hàng hoá Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ: Financial Times).
Động thái áp thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ khiến Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại kinh tế hơn hẳn những gì nước này trải qua trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên.
Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai đến nay, ông Trump đã áp thuế quan tổng cộng 54% lên hàng hóa Trung Quốc. Citigroup ước tính điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 2,4 điểm % trong năm 2025, chưa tính đến các biện pháp khắc phục Bắc Kinh có thể ban hành.
Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng BNP Paribas, Societe Generale, Oversea-Chinese Banking Corp. và ING Bank dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 1 đến 2 điểm %. Tháng trước, Bắc Kinh công bố mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm nay là “khoảng 5%”.
Trong một báo cáo, các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định: “Với Trung Quốc, thuế quan của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có tác động sâu rộng hơn hẳn giai đoạn năm 2018 - 2019.
Ngoài cú sốc trực tiếp đến hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, tác động gián tiếp mà nước này phải chịu cũng sẽ rất đáng kể, bởi thuế quan đối ứng Mỹ áp dụng với hơn 180 nền kinh tế sẽ kìm hãm dòng chảy thương mại toàn cầu”.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc nghiêm trọng, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ triển khai thêm biện pháp kích thích. Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra Bắc Kinh có thể tăng chi thêm vài nghìn tỷ nhân dân tệ hoặc cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng.
Tờ Bloomberg cho biết trong thời gian qua, các quan chức cấp cao đã liên tục phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng hành động để bù đắp cho cú sốc bên ngoài. Vào ngày 3/4, Trung Quốc cũng chỉ trích thuế quan của Mỹ và đe dọa sẽ trả đũa.
Bà Serena Zhou, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia, bình luận: “Trung Quốc có thể dễ dàng phát hành thêm 1 hoặc 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt nếu thấy cần thiết”.
Từ trước, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch phát hành 1.300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 179 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài trong năm 2025. Bắc Kinh dự định dùng một phần tiền thu về để trợ cấp chương trình khuyến khích tiêu dùng.
Trước ngày 2/4, Mỹ đã hai lần áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn duy trì được sự ổn định. Đà phục hồi đó đã thúc đẩy ít nhất 7 ngân hàng quốc tế bao gồm Morgan Stanley và Citigroup nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc trong tháng qua.
Nhưng làn sóng thuế quan đối ứng của Mỹ có thể khiến tâm lý lạc quan tan biến. Nó cũng có thể khiến mục tiêu tăng trưởng GDP vượt quá tầm với của Trung Quốc nếu các nhà hoạch định chính sách không tung ra thêm biện pháp kích thích.
Các nhà kinh tế của Citigroup viết trong lưu ý ngày 3/4 như sau: “Tác động từ thuế quan sẽ bắt đầu lộ diện từ quý II/2025. Chúng tôi hiện dự đoán GDP Trung Quốc có thể tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, nhưng tốc độ thực tế có thể thấp hơn 50 - 100 điểm cơ bản (bps) tùy thuộc vào các biện pháp kích thích tiềm năng”.
Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ họp vào cuối tháng 4 và tháng 7 để thảo luận về triển vọng kinh tế và chính sách. Những cuộc họp này có thể là cơ hội để giới chức Trung Quốc công bố điều chỉnh lớn tới chính sách.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận định Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có khả năng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng để đối phó với thuế quan.
Bloomberg Economics dự đoán PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 bps trong tháng này và tổng cộng 100 bps trong cả năm 2025. Các nhà kinh tế cũng dự kiến Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất 30 bps trong năm nay.
Ông Zhi Xiaojia, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Agricole CIB, bình luận: “Chúng tôi nhận thấy khả năng PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 4 đã tăng lên, bởi các quan chức cần bổ sung thanh khoản và hỗ trợ tâm lý thị trường”.
Một điểm may mắn với Trung Quốc là nhiều nước khác cũng bị Mỹ áp mức thuế cao. Kết quả là chênh lệch về thuế quan giữa Trung Quốc và một số đối tác thương mại của Mỹ như Việt Nam hay Liên minh châu Âu đã được thu hẹp lại.
Kết quả này có thể giúp giảm bớt tác động của thuế quan lên Trung Quốc, bởi nó khiến chi phí để Mỹ thay thế hàng hóa Trung Quốc với sản phẩm từ những nước khác gia tăng.
Một bài thơ ra đời cách đây 130 năm chính là bí quyết giúp Warren Buffett bình tĩnh dù thị trường chứng khoán cắm đầu vì thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tỷ phú Mark Cuban lên mạng xã hội Bluesky khuyên mọi người tích trữ đồ trước khi các cửa hàng tăng giá vì thuế quan của ông Trump.
Các nhà đầu tư cá nhân đã đổ xô mua vào nhiều tài sản ưa thích của họ, trong đó có cổ phiếu với hy vọng cú sụt giảm mới nhất của thị trường sẽ tạo ra cơ hội "đi ngược dòng" để kiếm lời dài hạn.
Chính phủ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề lên Nga nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt 3,5 tỷ USD vào năm ngoái.