Các cuộn dây đồng trên sàn một nhà máy. (Ảnh: Bloomberg).
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong tuần này, đặc biệt là với các loại thuế theo ngành mà từ lâu ông đã nhắm đến.
Thuế quan theo ngành là loại thuế áp dụng với hàng nhập khẩu trong một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như ô tô, thép hoặc rượu vang. Các loại thuế quan này được thiết kế để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài hoặc vì lý do an ninh quốc gia.
Tại cuộc họp nội các vào ngày 8/7, ông Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu. Tuy nhiên, vị tổng thống không tiết lộ khi nào thuế quan mới sẽ có hiệu lực.
Giá đồng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau thông báo đột ngột của ông Trump và kết thúc phiên giao dịch đi lên 13,12%, ghi nhận mức tăng tốt nhất trong một ngày kể từ năm 1989.
Đồng là kim loại được tiêu thụ nhiều thứ ba tại Mỹ sau sắt và nhôm. Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, nước này nhập khẩu gần một nửa lượng đồng mà họ tiêu thụ, phần lớn đến từ Chile.
Vào cuối tháng 2, ông Trump đã yêu cầu mở một cuộc điều tra nhằm nghiên cứu áp thuế lên đồng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Trên một chương trình của CNBC vào cuối ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick dự đoán ông Trump sẽ sớm ký một tuyên bố áp thuế đối với đồng nhập khẩu vào cuối tháng 7.
Trước đồng, chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế một số hàng hoá cụ thể khác, bao gồm ô tô và phụ tùng, nhôm và thép.
Cụ thể, ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế quan 25% từ ngày 3/4 và phụ tùng ô tô chính thức chịu mức thuế tương tự từ ngày 3/5. Riêng ô tô thuộc Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) được miễn trừ.
Thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 50% kể từ ngày 4/6, tăng so với mức ban đầu là 25%. Anh - quốc gia đầu tiên đạt thoả thuận thương mại với Mỹ - được miễn trừ loại thuế quan này.
Cùng ngày thông báo thuế quan đối với đồng nhập khẩu, ông Trump còn tuyên bố sẽ “sớm” áp thuế dược phẩm và mức thuế sẽ “rất, rất cao, chẳng hạn như 200%”.
Tuy nhiên, các công ty dược phẩm có thể có một năm rưỡi để chuẩn bị khi thuế quan mới đó có hiệu lực, chủ nhân Nhà Trắng nói thêm.
“Chúng tôi sẽ cho họ một khoảng thời gian nhất định để sắp xếp lại”, ông cho hay, dường như hàm ý đến kịch bản các công ty dược phẩm sẽ đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC sau đó, Bộ trưởng Lutnick cho biết chi tiết về thuế dược phẩm “sẽ được công bố vào cuối tháng này”.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tiết lộ chính phủ Mỹ sẽ sớm công bố thuế quan đối với chất bán dẫn, dù ông không nêu rõ mức thuế hoặc ngày áp dụng.
Cả dược phẩm và chất bán dẫn đều đang là đối tượng trong các cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Mục này cho phép Mỹ đánh thuế lên các hàng hoá được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ đã chịu mức thuế 50% kể từ ngày 4/6. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).
Như đề cập lúc đầu, chính sách thuế quan của ông Trump đã chứng kiến một số chuyển biến quan trọng trong tuần này, bao gồm cả chính sách thuế quan đối ứng mà ông Trump lần đầu công bố vào tháng 4.
Vào ngày 7/7, ông Trump đã đăng tải lên mạng xã hội Truth Social ảnh chụp màn hình 14 lá thư gửi lãnh đạo các nước, trong thư nêu rõ mức thuế đối ứng mà các nước phải trả nếu không đạt thoả thuận với Mỹ.
Theo các lá thư, hàng hoá từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải đối mặt mức thuế 25%.
Hàng hoá từ Nam Phi và Bosnia & Herzegovina sẽ chịu mức thuế 30%, trong khi hàng hoá từ Indonesia chịu thuế 32%. Bangladesh và Serbia bị đánh thuế 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan chịu thuế 36%.
Hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ phải đối mặt mức thuế 40%.
Đến chiều cùng ngày, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp dời hạn chót tái áp đặt thuế đối ứng từ 9/7 sang 1/8. Theo đó, các nước sẽ có thêm khoảng ba tuần để đàm phán một thoả thuận với Mỹ.
Liên quan đến hạn chót mới, ban đầu ông Trump chia sẻ với truyền thông rằng mốc thời gian này “không chắc chắn 100%”, hàm ý Mỹ có thể tiếp tục điều chỉnh thời hạn hoặc mức thuế.
“Không, tôi sẽ nói chắc chắn, nhưng không chắc chắn 100%. Nếu họ gọi điện và bảo ‘chúng tôi muốn đề xuất theo cách khác’, Mỹ sẽ cởi mở với điều đó”, ông Trump cho hay tại một bữa tiệc tại Nhà Trắng vào tối 7/7.
Trong một bài đăng khác trên Truth Social vào ngày 8/7, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh ông sẽ không gia hạn hạn chót.
“Các nước sẽ bắt đầu thanh toán thuế quan vào ngày 1/8/2025. Không có thay đổi nào đối với ngày này. Nói cách khác, tất cả thuế quan sẽ đến hạn và các nước phải thanh toán từ ngày 1/8/2025. Sẽ không gia hạn thêm”, ông Trump viết.
Hôm 9/7, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế quan 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil bắt đầu từ ngày 1/8.
Các chương trình "Mua trước, Trả sau" đang phát triển nhanh chóng tại Malaysia đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bảo vệ người tiêu dùng và tình trạng vay mượn quá mức.
Mỹ dự kiến sẽ gửi thêm 15 - 20 thư báo thuế quan cho những đối tác thương mại quan trọng trong hai ngày tới, tiếp đến là một bức thư chung cho các nước còn lại.
Nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang gặp khó khăn vì thuế quan theo ngành của Mỹ, đặc biệt là thuế đánh vào ô tô và thép. Thuế đối ứng của Nhà Trắng sẽ càng tăng thêm khó khăn cho hai cường quốc châu Á.