Hơn 25% sinh viên của MIT là du học sinh. (Ảnh: Getty Images).
Thống kê gần đây của tờ New York Times (NYT) phát hiện rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hủy hơn 1.500 visa tại 222 ngôi trường trên khắp nước Mỹ. Các nhân viên cơ quan di trú cũng trục xuất một số du học sinh và nhà nghiên cứu.
Làn sóng hủy visa du học sinh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm dấy lên nỗi lo rằng Mỹ không còn chào đón sinh viên quốc tế nữa.
Ông Xiaofeng Wan là cựu nhân viên tuyển sinh tại Đại học Amherst và nay hành nghề tư vấn viên cho sinh viên quốc tế muốn đến Mỹ. Gần đây, tại các buổi gặp gỡ với các du học sinh tiềm năng tại Trung Quốc, ông nhận thấy các bậc phụ huynh có mối quan ngại sâu sắc.
Ông chia sẻ với NYT: "Họ không biết có nên gửi con cái tới một đất nước không chào đón sinh viên Trung Quốc hoặc coi Trung Quốc là đối thủ kém thân thiện hay không. Chúng tôi chưa bao giờ đối mặt với tình huống như vậy".
Hồi giữa tháng 4, chính quyền ông Trump còn yêu cầu Đại học Harvard danh giá giao nộp danh sách sinh viên nước ngoài, cùng với nhiều đòi hỏi khác. Động thái đó càng làm tăng thêm tâm lý bất an tại các giảng đường.
Nếu các du học sinh quay lưng với Mỹ, điều đó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới nhiều đại học tại xứ sở cờ hoa. Nền kinh tế của nhiều địa phương và cả nước Mỹ nói chung cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể.
Trong những năm qua, các đại học Mỹ đã thu hút ngày càng nhiều du học sinh. Riêng tại Đại học New York, số sinh viên quốc tế đã tăng hơn 250% trong hơn một thập kỷ qua. Đại học New York là một trong ba ngôi trường tuyển nhiều sinh viên quốc tế nhất ở Mỹ, cùng với Northeastern và Columbia.
Theo báo cáo gần đây do Cục Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục Quốc tế công bố, số sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ trong năm học 2023 - 2024 lên đến hơn 1,1 triệu người. Con số này bao gồm những cử nhân ở lại Mỹ trong thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp để tích lũy kinh nghiệm làm việc.
Hơn 1 triệu sinh viên này rót gần 44 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và tạo ra 378.000 việc làm trong năm 2023, theo Hiệp hội Cố vấn Sinh viên Nước ngoài Quốc gia (NAFSA). Điều này có nghĩa là với mỗi ba sinh viên quốc tế thì Mỹ có thêm một việc làm.
Tuy nhiên, đóng góp của du học sinh không thể chỉ đo lường bằng giá trị tiền tệ. Họ là lực lượng nòng cốt trong các doanh nghiệp nghiên cứu. Họ đóng vai trò thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - hai trụ cột không thể thiếu cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Nghiên cứu năm 2022 của Tổ chức Quốc gia về Chính sách Mỹ cho thấy 25% các startup tỷ USD tại Mỹ (143 trên 582) có nhà sáng lập là người từng đến Mỹ theo diện du học sinh. Số liệu này cho thấy rõ tầm quan trọng của các sinh viên quốc tế với hệ sinh thái doanh nghiệp và sức cạnh tranh đổi mới của nền kinh tế Mỹ.
Giáo sư Barnet Sherman, chuyên gia Tài chính và Thương mại Đa quốc gia tại Đại học Boston, cho biết tất cả 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ đều có ít nhất một trường đại học đón sinh viên quốc tế theo học. Đối với những cộng đồng này, các du học sinh đem đến nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng.
Thử lấy ví dụ là thành phố Boston, nơi tập hợp hơn 50 đại học bao gồm những ngôi trường tên tuổi hàng đầu thế giới như Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Lợi ích kinh tế mà Boston nhận được từ 60.000 du học sinh theo học tại những ngôi trường này lên tới khoảng 2,7 tỷ USD.
Ngoài Massachusetts, những bang như Texas, California và Florida cũng nhận được lợi ích kinh tế hàng trăm triệu USD từ du học sinh mỗi năm. Ví dụ, tại Texas, ba trường đại học cộng đồng có nhiều sinh viên quốc tế nhất tạo ra 256,7 triệu USD và 1.096 việc làm trong năm 2024. Thậm chí, có trường còn tạo ra gần một việc làm với mỗi hai sinh viên quốc tế theo học.
Sinh viên quốc tế không chỉ thúc đẩy nền kinh tế của các bang hay thành phố lớn. Tiêu biểu là trường hợp của Mankato, một thành phố nhỏ với dân số 45.000 người. Trong năm học 2023 - 2024, khoảng 1.716 sinh viên quốc tế theo học tại Đại học Bang Minnesota đã tới sống ở đây và coi Mankato là ngôi nhà thứ hai.
Những sinh viên này đem đến gần 46 triệu USD cho cộng đồng địa phương và hỗ trợ khoảng 190 việc làm. Mỹ có hàng chục những thành phố như Mankato trên khắp đất nước. Lợi ích tổng thể mà du học sinh tạo ra cho những khu vực này rất đáng kể.
Đánh mất các sinh viên quốc tế sẽ gây rắc rối không nhỏ cho các nền kinh tế địa phương và toàn nước Mỹ, và đặc biệt đây sẽ là một thảm họa đối với nhiều trường đại học.
Sau khi Harvard từ chối tuân theo các yêu cầu của Nhà Trắng, chính phủ Mỹ thông báo sẽ đóng băng 2,2 tỷ USD tiền tài trợ liên bang và đe dọa cấm đại học này tuyển sinh viên quốc tế. Điều này cho thấy rõ Nhà Trắng hiểu tầm quan trọng của du học sinh với ngân sách của Harvard.
Dẫu vậy, Harvard vẫn còn quỹ quyên tặng trị giá 53 tỷ USD, nên dù họ mất nguồn thu từ sinh viên quốc tế thì vẫn có thể duy trì hoạt động. Với những đại học ít khá giả hơn thì đây sẽ là vấn đề mang tính sống còn.
Ông Gaurav Khanna, nhà kinh tế tại Đại học California, cho biết doanh thu từ du học sinh đã giúp một số đại học công có thể tiếp tục mở cửa trong cuộc Đại Suy thoái. Ông cảnh báo: “Một số đại học có thể sẽ vượt qua cơn bão. Những đại học khác lại không có nguồn lực. Nếu họ bị cắt nhiều nguồn tài trợ và doanh thu từ du học sinh, chắc chắn họ sẽ gặp rắc rối”.
Theo tìm hiểu của ông Mingyu Chen, nhà nghiên cứu liên kết với Viện Kinh tế Lao động IZA, trung bình du học sinh đóng góp 12% tổng tiền học phí của các trường đại học công trong năm 2016. Tại một số trường, tỷ lệ này thậm chí vượt quá 30%.
Vào đầu năm nay, tờ Forbes đã liên lạc với hơn 22 trường đại học mà du học sinh chiếm hơn 25% sinh viên. Chỉ 4 đại học sẵn sàng trả lời phỏng vấn, số khác có lẽ sợ thu hút sự chú ý về khó khăn của họ.
Trường Kinh doanh Quốc tế Hult tại Boston, một trong 5 cơ sở của Hult trên toàn thế giới, chỉ nhận hơn 3.300 sinh viên và 70% đến từ bên ngoài nước Mỹ. Trường Thiết kế Rhode Island danh tiếng tuyển sinh khoảng 2.700 sinh viên, trong đó 38% là sinh viên quốc tế.
Ông Angel Pérez, CEO của Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Đại học Quốc gia Mỹ, bình luận: "Mô tả các trường đại học đang 'vô cùng lo lắng' vẫn còn là quá nhẹ nhàng”.
Các đại học có thể cố gắng bù đắp cho phần học phí bị mất từ sinh viên quốc tế, nhưng biện pháp này không hề dễ dàng. Dân số thuộc độ tuổi học đại học ở Mỹ đã đạt đỉnh và sẽ đi xuống trong những năm tới, do sự sụt giảm của tỷ lệ sinh.
Sinh viên nội địa của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt nếu số sinh viên quốc tế giảm mạnh. Nghiên cứu của Giáo sư Khanna phát hiện rằng những trường có thể thu hút sinh viên từ nước ngoài thường không phải tăng học phí với sinh viên nội địa hay thực hiện các khoản cắt giảm lớn về nghiên cứu và giảng dạy.
Ông chỉ ra: “Để mở rộng cánh cửa học đại học cho sinh viên nội địa, Mỹ cần đón thêm nhiều sinh viên quốc tế”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Walmart nên "gánh chịu thuế quan", thay vì đổ lỗi cho các loại thuế chính quyền của ông áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân khiến nhà bán lẻ này tăng giá.
Các mức thuế nhập khẩu do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt một cách mạnh tay và bất thường – bao gồm cả thuế đối với gỗ xẻ và thép – đã khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Khoảng 10 năm trước, cứ 10 lần thanh toán thì người Hàn Quốc sẽ sử dụng tiền mặt 4 lần. Nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn 1~2 lần.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã vạch ra kế hoạch cắt giảm 10% nhân sự trên toàn hệ thống của ngân hàng trung ương này trong những năm tới.