Tài chính Doanh nghiệp 28/04/2025 09:31

Tổng Giám đốc VNSteel: Áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa có thể không quá lớn

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel cho rằng các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Đông, ASEAN, châu Phi có thể làm giảm áp lực cạnh tranh thị trường nội địa trong thời gian tới.

 

Sáng ngày 28/4, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, Mã: TVN) tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2025. Theo tài liệu đại hội, năm nay công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 280 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 6% so với thực hiện năm 2024 xét về doanh thu và giảm 22% về lợi nhuận. 

 Nguồn: Wichart, VNSteel

Trong tài liệu đại hội cập nhật, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao hơn 100 tỷ đồng so với tài liệu được công bố trước đó, trong khi doanh thu giữ nguyên.

Nói về việc điều chỉnh này, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel cho biết sẽ rà soát lại các công ty con, công ty liên kết, tăng chỉ tiêu lợi nhuận. 

Tổng Công ty cũng làm giảm tối đa lỗ của các đơn vị thành viên, đặc biệt là TISCO. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ chỉ đạo tất cả công ty con, công ty liên kết và cả công ty mẹ trong việc tiết giảm chi phí để tăng biên lợi nhuận lên.

"Chúng tôi đang cố gắng giảm lỗ một số dự án chẳng hạn như Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) . Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty.

Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục dự án này. Ngay ngày hôm qua (27/4) VTM đã khôi phục lại sản xuất, phấn đấu giảm lỗ luỹ kế trên 100 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp kết quả chung của Tổng Công ty cải thiện", ông Đa cho biết.

Ngoài ra, năm nay, Tổng Công ty cũng đang tăng cường tinh gọn bộ máy nhằm tiết giảm chi phí. 

 Nguồn: Wichart, VNSteel

VNSteel cho biết trong năm 2025 thị trường thép đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt; áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN gia tăng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi chính sách chính sách thuế quan và phòng vệ thương mại mới. Việt Nam đang bị điều tra áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép nhập khẩu vào các nước như Mỹ, Canada, EU, Australia, Malaysia, Thái Lan, Ân Độ, Hàn Quốc,....

Đối với các doanh nghiệp thép xây dựng, nhu cầu tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản; tuy nhiên xu hướng và tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản sẽ chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2025 trở đi.

Đối với các doanh nghiệp thép dẹt và tôn mạ, thị trường xuất khẩu năm 2025 được nhận định không còn thuận lợi do dưới tác động của các chính sách thương mại và thuế quan mới, các nước đối tác sẽ tăng cường chính sách bảo hộ hàng hóa nội địa. Trong nước, thêm nhiều nhà máy thép dẹt mới đi vào hoạt động, dẫn đến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường nội địa.

VNSteel đề xuất không chia cổ tức do tình hình thị trường được dự báo phức tạp và nhu cầu vốn lớn. 

Năm nay doanh nghiệp dự kiến chi hơn 555 tỷ đồng để đầu tư mua sắm, nâng cấp tài sản cố định của công ty mẹ.

Trong đó, VNSteel đầu tư 542 tỷ đồng để phục vụ đầu tư dự án mới như tăng vốn điều lệ tại CTCP thép Nhà Bè đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng bổ sung công đoạn luyện phôi 150.000 tấn/năm; mua lại 6% vốn góp của các đối tác nước ngoài tại Tôn Phương Nam; góp vốn đầu tư 1 nhà máy sản xuất luyện cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại phía Nam. 

Ngoài ra, VNSteel còn lên kế hoạch đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết để thực hiện mua sắm, nâng cấp tài sản với tổng nhu cầu vốn 2.384 tỷ đồng, bao gồm 1.289,7 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và 1.094,9 tỷ đồng cho đầu tư mua sắm, nâng cấp tài sản cố định. 

Bên cạnh đó, năm 2025, Tông công ty sẽ phải chủ động chuẩn bị nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện một số nội dung cấp bách, trong đó có việc nộp khoản thu theo quyết định quyết toán cổ phần hóa (trường hợp hồ sơ được cấp thẩm quyền phê duyệt và phát sinh số phải nộp), hỗ trợ thực hiện phương án xử lý Dự án Tisco 2 và tái cơ cấu VTM...

Phiên thảo luận

Năm nay các công ty thép có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa áp lực cạnh tranh sẽ cao hơn. Một số công ty cho biết sẵn sàng hy sinh biên lợi nhuận để giữ thị trường, VNSteel có kế hoạch thế nào để cạnh tranh trong năm nay?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel: Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 2 triệu tấn, trong đó ASEAN chiếm lớn nhất 26%, EU chiếm 22% và Mỹ chiếm 13%.

Sau khi có thuế quan của Mỹ rấy lên nhiều lo ngoại, trong đó mặt hàng tôn mạ chịu tác động nhiều.

Dòng chảy thép có thể chảy sang các thị trường khác, do đó các doanh nghiệp có thể tập trung xuất khẩu sang các thị trường khác trong đó có ASEAN, hiện thị trường này còn nhiều dư địa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể mở rộng sang các thị trường khác trong đó có Trung Đông và Châu Phi.

Do đó, áp lực ở thị trường trong nước có thể sẽ không quá lớn như nhiều người nghĩ. Tất nhiên, vẫn có kịch bản khi các thị trường xuất khẩu không thể hấp thụ hết thì lượng hàng có thể quay trở về thị trường nội địa.

Chiến lược của VNSteel trong thời gian tới là giữ vững thị trường trong nước bằng việc giữ lượng tiêu thụ như năm ngoái song song các giải pháp tiết giảm chi phí, mở rộng xuất sang các thị trường khác như Trung Đông và Châu Phi. Và chúng tôi cũng sẵn sàng cạnh tranh ở thị trường trong nước. 

Năm nay công ty không chia cổ tức nhằm dành tiền tập trung cho kế hoạch liên quan đến đầu tư mở rộng công suất. Vậy việc mở rộng này sẽ tác động thế nào đến năng lực cạnh tranh của công ty trong thời gian tới?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel: Các cơ sở sản xuất thuộc công ty thành viên của Tổng Công ty đã tới hạn và nhiều năm qua không thể tăng trưởng công suất. Hầu hết nhà máy có tuổi thọ lên tới 20 năm, mới nhất cũng khoảng 10 năm, năng lực sản xuất đến hạn.

Do đó, tổng công ty có kế hoạch đổi mới công suất, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư, trong đó có việc đầu tư thép Nhà Bè, góp vốn đầu tư dự án mới. Kế hoạch đầu tư này rất cần thiết và sẽ thay đổi sức cạnh tranh của công ty về dài hạn. 

Vì sao VNSteel tạm hoãn thoái vốn tại Vicasa?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel: Nguyên nhân của việc hoãn thoái vốn tại Vicasa liên quan đến việc soát lại công tác sắp xếp đất đai của Vicasa theo quy định của Chính phủ. Trong năm nay chúng tôi sẽ triển khai lại việc thoái vốn tại Vicasa.

Hồi tháng 4, cổ phiếu TVN bị rơi vào diện cảnh báo. Kế hoạch khắc phục tình trạng này ra sao? Công ty có lộ trình nào hướng tới việc chuyển sàn niêm yết trong tương lai hay không? Phương án khắc phục đưa cổ phiếu TVN khỏi diện cảnh báo?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel: Có hai nguyên nhân khiến cổ phiếu TVN bị rơi vào diện cảnh báo. 

Thứ nhất, công tác quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty đã kéo dài từ năm 2011 đến nay. Hiện tại, Bộ Công Thương hiện vẫn đang chủ trì xử lý. Nếu giải quyết xong, chúng tôi sẽ loại trừ được ý kiến ngoại trừ này.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Hiện nay, việc xử lý dự án này đang được Chính phủ xem xét. Vì số liệu tài chính liên quan đến dự án chưa thể xác định dứt điểm nên kiểm toán viên buộc phải đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Trong năm nay, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm hai vấn đề để đưa cổ phiếu công ty ra khỏi diện cảnh cảnh báo.

Ông Lê Song Lai - Chủ tịch HĐQT VNSteel:  Chúng tôi nhận được cảnh báo từ HNX về khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Tổng Công ty khoảng 94% trong khi quy định về công ty đại chúng có tối thiểu 10% vốn điều lệ được sở hữu bởi ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn. Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nếu không thay đổi về tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước, công ty sẽ khó duy trì tư cách là doanh nghiệp niêm yết đại chúng. 

Trung Quốc đang có động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel: Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 triệu tấn thép từ Trung Quốc trong đó cán nóng chiếm 7 triệu tấn, tương đương 67%. Trước đó, Bộ Công Thương đã áp thuế tạm tời với cán nóng từ Trung Quốc. Vừa rồi có hiện tượng lách thuế chống bán phá giá bằng việc Trung Quốc xuất khẩu thép cuộn cán nóng có khổ rộng khoảng 2m. Đây là mặt hàng không nằm trong danh mục bị áp thuế chống bán phá giá. 

Hiện tại các doanh nghiệp thép đang thu thập chứng cứ để báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại về vấn đề này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã thuê luật sư để phản bác lại rằng mặt hàng cán nóng khổ 2m này không phải hàng hoá tương tự với hàng Việt Nam sản xuất.  Hiện tại, Hoà Phát và Fomosa sản xuất thép cán nóng khổ 1,6 - 1,8 mét. 

Hiện tại, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang rất quyết liệt trong việc ngăn chặn việc lẩn tránh thuế, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sự minh bạch. Ngành thép Việt Nam cũng phải sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp phòng vệ. Vừa qua Bộ Công Thương cũng tăng cường việc này. Tôi hy vọng với hành động của Bộ Công Thương sẽ giải quyết được vấn đề này.

 

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 28/04/2025 16:55
ĐHĐCĐ CenLand: Đầu tư dự án NOXH tại Hà Nam và Quảng Ninh, Phó Chủ tịch VNDirect làm thành viên HĐQT

Điểm nhấn đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay của CenLand là kế hoạch làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, ông Mai Hữu Đạt được bầu vào vị trí thành viên HĐQT.

Tài chính Doanh nghiệp 28/04/2025 16:55
[Cập nhật] KQKD quý I: Có hơn 80 doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần

Theo dữ liệu của Wichart, tính tới chiều tối ngày 28/4 đã có khoảng 640 doanh nghiệp trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý I.

Tài chính Doanh nghiệp 28/04/2025 13:39
Từ ‘mừng hụt’ đến chiến lược linh hoạt, Chủ tịch Transimex chia sẻ bài học khi thuế quan bất định

Theo lãnh đạo Transimex, các quyết định về thuế quan hiện nay không chỉ đơn thuần liên quan đến thương mại mà còn phản ánh tư duy chính trị và vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế. Những diễn biến này cực kỳ khó lường, khi các mức thuế có thể thay đổi mạnh trong thời gian rất ngắn.

Tài chính Doanh nghiệp 28/04/2025 12:48
Chủ tịch Fecon: Điểm rơi lợi nhuận của công ty là từ năm 2025, đặc biệt là năm 2027

Chủ tịch HĐQT Fecon cho biết nghề cốt lõi của Fecon vẫn là xây dựng và kế hoạch từ 2028 - 2029 trở đi, mảng xây dựng, thi công sẽ chiếm 60% lợi nhuận, còn mảng đầu tư chỉ chiếm 40%.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO