Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khả năng tối ưu chi phí của các nhà băng nhỏ hơn đang có xu hướng đi xuống, trong khi những ngân hàng lớn thường vẫn duy trìtỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tương đối ổn định.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, CIR cả năm 2023 của toàn ngành ở mức 34,3%, tăng 0,45% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là trong năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của 28 nhà băng đã tăng 4,3%, trong khi chi phí hoạt động tăng gần 5,7%, khiến CIR cũng nhích thêm.
SHB vẫn duy trì vị thế là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất, ở mức 23,2%, tăng 0,5 điểm % so với năm 2022. Nếu so với thời điểm cuối quý III, CIR của SHB đã cải thiện nhẹ. VPBank đã lấy lại vị thế thứ hai trong bảng xếp hạng từ tay VietinBank, với CIR đạt gần 28%, tăng 3,6 điểm % so với cùng kỳ.
Trong khi đó, VietinBank ghi nhận CIR ở mức 28,9%, giảm 1 điểm % so với năm trước. CIR của VietinBank được cải thiện nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng nhanh hơn chi phí hoạt động.
Những ngân hàng còn lại trong Top 10 CIR thấp nhất lần lượt là VIB (30%), MB (31,5%), Vietcombank (32,4%), Techcombank (33,1%), ACB (33,2%), OCB (33,3%) và BIDV (34,3%). Trong năm 2023, 12/28 nhà băng cókhả năng tối ưu hóa chi phí hoạt động cải thiện với CIR giảm.
CIR các ngân hàng đã có sự cải thiện trong quý IV/2023 so với quý III nhờ tổng thu nhập hoạt động phục hồi và chi phí được duy trì không tăng quá nhanh.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng như BVBank (Bản Việt) và NCB ghi nhận CIR tăng lần lượt 15,7 điểm % và 95,4 điểm %. Trái lại, do tăng trưởng nhanh chóng về tổng thu nhập hoạt động, chỉ số CIR của BaoViet Bank cũng giảm hơn 12,2 điểm %, nhiều nhất toàn ngành.
CIR là viết tắt của từ Cost to Income Ratio hay còn gọi là chỉ số chi phí trên thu nhập. Chỉ số CIR của ngân hàng thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập của ngân hàng đó, từ đó cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng.
Công thức tính CIR như sau:
CIR = Tổng chi phí hoạt động / Tổng thu nhập hoạt động