Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 đã công bố của 27 ngân hàng, tổng mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong quý này đạt 212.460 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm trước.
Trong đó, BIDV là ngân hàng dẫn đầu về mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong quý I với 38.651 tỷ đồng, tương đương giảm 0,4% so với cuối năm 2024.
Đứng thứ hai về trích lập dự phòng là VietinBank với 38.269 tỷ đồng, tăng 4,4%. Theo sau là Vietcombank với số dư dự phòng rủi ro cho vay đạt 32.494 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm ngoái.
Ngoài ra, Top 10 ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao nhất còn có VPBank, MB, Sacombank, SHB,Techcombank, ACB và HDBank. Tổng mức trích lập của 10 ngân hàng này đạt 177.794 tỷ đồng, chiếm hơn 83% tổng trích lập của các nhà băng được thống kê.
Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận trích lập dự phòng tăng trong quý đầu năm, ngoại trừ 8 ngân hàng ghi nhận giảm mức trích lập trong quý I, thì theo thống kê 19/27 ngân hàng đều có mức dự phòng tăng so với năm trước.
Trong đó, có 6 nhà băng tăng mức trích lập ở mức hai chữ số bao gồm Sacombank, BVBank, NamABank, PGBank, VietBank, TPBank và 13 ngân hàng tăng một chữ số ở khoản mục này.
Xét về tốc độ tăng trưởng, Sacombank là ngân hàng có tốc độ tăng số dư dự phòng cao nhất trong bảng xếp hạng, từ 8.867 tỷ đồng lên 10.566 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,2%.
Ở chiều ngược lại, VIB là ngân hàng có mức sụt giảm số dư dự phòng nhiều nhất trong quý I, từ 5.694 tỷ đồng xuống còn 4.894 tỷ đồng. Ngoài ra, 7 nhà băng ghi nhận mức giảm dự phòng rủi ro ở một chữ số bao gồm OCB, ACB, MB, HDBank, MSB, SeABank và BIDV.