Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đang gần tiến tới điểm bước ngoặt trong bối cảnh vị thế của xe điện tại thị trường xe cộ lớn nhất thế giới ngày càng tăng.
Trung Quốc từ lâu đã là một trong những nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu thô nhất. Trong năm 2023, mỗi ngày nước này tiêu thụ 16,4 triệu thùng dầu thô, chiếm 16% nhu cầu thế giới, tăng đáng kể so với tỷ trọng khoảng 9% hồi năm 2008.
Trong 15 năm đó, Trung Quốc đóng góp hơn một nửa tốc độ tăng trưởng của nhu cầu dầu toàn cầu. Nhưng sau giai đoạn tiêu thụ kỷ lục, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã sa sút. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán mức tiêu thụ dầu thô của đất nước tỷ dân sẽ chỉ tăng 0,8% trong năm 2024 và nhích 1,3% vào năm 2025.
Thoạt nhìn, nhu cầu dầu nói chung của Trung Quốc có vẻ vẫn ổn định, nhưng cơ cấu thì đang thay đổi nhanh chóng. Nhu cầu dành cho xăng và dầu diesel dường như đã đạt đỉnh: IEA ước tính nhu cầu dành cho mọi loại nhiên liệu vận tải của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ thấp hơn 3,6% so với năm 2021.
Một trong những nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng nhà đất, bởi hoạt động xây dựng chậm lại dẫn tới nhu cầu dành cho dầu diesel dùng trong máy móc yếu đi. Nhưng theo tờ Wall Street Journal (WSJ), nguyên nhân lớn hơn cả là sự thay đổi chóng mặt về phương tiện di chuyển cá nhân, đặc biệt là sự trỗi dậy của xe điện.
Hơn một nửa xe ô tô con bán ra ở Trung Quốc trong những tháng gần đây là xe sử dụng năng lượng mới, bao gồm cả những chiếc plug-in hybrid, theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc. Vì xu hướng đó, IEA dự đoán nhu cầu xăng của Trung Quốc trong năm 2025 sẽ thấp hơn 6,4% so với mức đỉnh năm 2021.
Ngoài ra, số xe tải hạng nặng mới ở Trung Quốc sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng thay vì dầu diesel cũng đang tăng lên. Dầu diesel và xăng chiếm 44% tổng nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm 2024, giảm đáng kể từ mức 51% hồi năm 2018.
Trong lúc nhiên liệu vận tải “thất thế” tại Trung Quốc, ngành hóa dầu của nước này lại đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ.
Lượng tiêu thụ naphtha, ethane và khí dầu mỏ hóa lỏng - nguyên liệu đầu vào cho ngành hóa dầu - bật tăng 59% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2024. Nhưng sự bùng nổ này có thể sẽ không còn đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của nhu cầu xăng và dầu diesel do xe điện mở rộng thị phần tại Trung Quốc.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, công suất lọc dầu của Trung Quốc đã tăng 42% từ năm 2011 đến năm 2023 lên 18,5 triệu thùng/ngày. Điều đó dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế suy yếu như hiện nay.
Hai yếu tố trên cho thấy sự thay đổi ở Trung Quốc có thể trở thành “cú đánh kép” đối với các công ty dầu mỏ lớn. Trung Quốc nhập khẩu 11,3 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023, tương đương hơn 10% sản lượng toàn cầu.
Sự sụt giảm mang tính cấu trúc trong nhu cầu của Trung Quốc có nguy cơ kéo giá dầu thô đi xuống. Trong những giai đoạn giá dầu thấp, doanh nghiệp thường dựa vào các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ để bù đắp cho phần lợi nhuận bị hao hụt. Tuy nhiên, công suất lọc dầu dư thừa của Trung Quốc sẽ khiến các công ty dầu mỏ khó áp dụng chiến lược này.
Những nhà sản xuất dầu mỏ từng hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc có thể sớm phải nhận lấy nỗi đau từ sự phụ thuộc này.
Vào năm 1983, Warren Buffett đã thực hiện một trong những thương vụ đáng nhớ nhất trong sự nghiệp kéo dài hàng chục năm của ông.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư có thể đang đánh giá thấp mối đe doạ từ những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối.
Trung Quốc vừa cho phép các chính quyền địa phương dùng trái phiếu đặc biệt để đầu tư sang những lĩnh vực mới, đồng thời đơn giản hóa quá trình phê duyệt dự án.
Wells Fargo, JP Morgan Chase và Bank of America bị kiện với cáo buộc không có biện pháp kiểm soát gian lận trên ứng dụng thanh toán Zelle, khiến hàng trăm nghìn khách hàng mất hơn 870 triệu USD.