Kinh tế Quốc tế 09/01/2025 15:05

Trung Quốc khép lại năm 2024 với lạm phát gần mức 0, bỏ lỡ mục tiêu 13 năm liên tiếp

Làn sóng giảm giá chiết khấu đang lan rộng khắp nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng từ các hãng xe điện cho đến cửa hàng trà sữa.

Người đàn ông trả tiền mua thịt tại chợ ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters). 

Dữ liệu chính thức công bố hôm 9/1 cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn trong năm 2024, trong khi đó giá sản xuất nối dài đà giảm sang năm thứ hai liên tiếp.

Giá cả trì trệ do nhu cầu nội địa yếu kém, bắt nguồn từ sự bất an của người tiêu dùng về việc làm và thu nhập, khủng hoảng bất động sản kéo dài, khối nợ lớn trong nền kinh tế và lời đe dọa thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Tính chung cả năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ đi lên 0,2%, bằng với tốc độ tăng của năm 2023 và thấp hơn hẳn mục tiêu chính thức 3%. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã bỏ lỡ mục tiêu lạm phát 13 năm liên tiếp, tờ Reuters cho hay.

Vào tháng 12/2024, CPI nhích 0,1% so với cùng kỳ năm trước, kém hơn con số 0,2% của tháng 11 và đánh dấu tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4. Số liệu này phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát.

Tuy nhiên, sau khi loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, CPI lõi đi lên 0,4%, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 5 tháng. 

 

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 giảm 2,3% so với một năm trước, tích cực hơn mức giảm 2,5% trong tháng 11. Giá sản xuất ở Trung Quốc đã ở trong vùng giảm phát suốt 27 tháng.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics bình luận: “Báo cáo lạm phát ảm đạm của Trung Quốc... cho thấy hoạt động kinh tế vẫn chưa tăng tốc dù chính phủ đã đẩy mạnh hỗ trợ từ cuối tháng 9.

Việc thiếu vắng thông tin chi tiết về các biện pháp kích thích tiếp theo có nguy cơ khiến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng một lần nữa suy yếu vào đầu năm mới. Các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng thực hiện biện pháp trợ giúp để chống lại rủi ro giảm phát”.

Cuộc chiến giá của các hãng xe điện đang bước sang năm thứ ba. Làn sóng giảm giá, chiết khấu cũng đang lan rộng khắp ngành bán lẻ, ảnh hưởng đến các cửa hàng trà sữa và nhiều sản phẩm không thiết yếu khác. Ngày càng nhiều khách hàng muốn tiết kiệm, lựa chọn thuê thay vì mua những mặt hàng như túi xách và máy ảnh.

Ông Zhang Zhiwei, Giám đốc kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, bình luận: “Trung Quốc có áp lực giảm phát dai dẳng. Sự suy sụp của ngành bất động sản vẫn chưa kết thúc và nó tiếp tục đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng. Triển vọng lạm phát trong thời gian tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào tính hiệu quả của chính sách tài khóa”.

Vào cuối tháng 12, World Bank nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024 và 2025 nhưng cảnh báo niềm tin yếu của các hộ gia đình và doanh nghiệp cùng cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ tiếp tục gây ra lực cản.

Nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc đã đồng ý phát hành lượng trái phiếu chính phủ với quy mô kỷ lục 411 tỷ USD trong bối cảnh giới lãnh đạo tăng cường kích thích tài khóa để vực dậy nền kinh tế.

Và tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh tài trợ cho các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư kinh doanh trong năm 2025 nhờ nguồn tiền thu được từ trái phiếu chính phủ kỳ hạn siêu dài. 

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 10/01/2025 01:55
Nhiều thị trường 'thấp thỏm' trước nguy cơ thuế quan từ Mỹ

Từ Trung Quốc qua châu Âu đến Canada và Mexico, thị trường thế giới đang chao đảo trước cam kết tăng thuế của ông Donald Trump khi ông sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ trong chưa đến hai tuần nữa.

Kinh tế Quốc tế 09/01/2025 14:02
Trung Quốc cố gắng chưa từng thấy để thúc đẩy ngành du lịch nhưng nỗ lực có nguy cơ hoá công cốc

Chính sách dỡ bỏ hạn chế thị thực với quy mô chưa từng có của Bắc Kinh không tạo ra được cơn sốt cho ngành du lịch Trung Quốc như kỳ vọng.

Kinh tế Quốc tế 09/01/2025 10:20
Trái phiếu chính phủ toàn cầu bị bán tháo, lợi suất ở Mỹ cận kề mức đáng ngại

Thị trường trái phiếu toàn cầu rung lắc vì nỗi lo lạm phát và tình hình tài khóa của chính phủ các nước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm đã vượt quá 5%, mức cao nhất kể từ năm 2023. Lợi suất kỳ hạn 10 và 30 năm cũng tiến rất sát tới mốc này.

Kinh tế Quốc tế 09/01/2025 07:43
Fed báo hiệu gì trong biên bản cuộc họp mới công bố?

Tại cuộc họp tháng 12, các quan chức Fed đã bày tỏ lo ngại về bức tranh lạm phát và tác động mà các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra.