Tòa nhà Ngân hàng Nhân dan Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).
Trung Quốc đang thu hẹp thanh khoản trong nước nhằm bảo vệ đồng nội tệ. Chiến lược này tạo ra tác động lan tỏa lên khắp hệ thống tài chính, gây ra rắc rối cho các ngân hàng và tổn thất cho các quỹ đầu tư trái phiếu.
Trong tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hút bớt tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở gần như mỗi ngày, hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng cách khiến cung tiền trở nên khan hiếm hơn.
Tuy nhiên, động thái này vô hình trung lại khiến các nhà băng tích trữ tiền thay vì cho nhau vay, còn các quỹ trái phiếu hứng lỗ khi các nhà đầu tư bán bớt chứng khoán nợ để giải phóng tiền mặt.
Vào ngày 24/2, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2024. Dấu hiệu mới nhất về tình trạng khan hiếm tiền mặt tại các ngân hàng Trung Quốc là sự sụt giảm mạnh của hoạt động cho vay thông qua các hợp đồng mua lại - hay còn gọi là repo.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã giảm khoảng 67% hoạt động cho vay trên thị trường repo vào giữa tháng 2 so với mức trung bình hàng ngày năm ngoái.
Ông Yang Yewei, nhà phân tích tại Guosheng Securities, viết trong lưu ý: “Nếu áp lực vay tiền mặt của các ngân hàng gia tăng và chi phí tiếp tục lên cao, điều đó có thể hạn chế khả năng phát hành các khoản vay và hỗ trợ nền kinh tế của họ. Chúng tôi cho rằng tình trạng thắt chặt thanh khoản khó có thể được duy trì trong thời gian dài”.
Lãi suất repo liên ngân hàng kỳ hạn 7 ngày đang duy trì ở mức cao hơn hẳn lãi suất repo đảo ngược của PBoC - chuẩn mực quan trọng của thị trường. Chênh lệch giữa hai bên luôn vượt quá 0,5 điểm % trong mỗi ngày của tuần trước.
Hơn một nửa các quỹ Trung Quốc đầu tư vào thị trường trái phiếu phải ghi nhận lỗ trong giai đoạn từ đầu năm đến giữa tháng 2, theo tờ China Securities Journal.
Tổn thất của những quỹ này xuất phát từ việc thanh khoản bị thắt chặt, khiến các nhà đầu tư bán bớt trái phiếu lấy tiền mặt, gây áp lực lên giá. Lực bán trên thị trường trái phiếu còn bị khuếch đại bởi sự hứng thú của nhà đầu tư với thị trường cổ phiếu.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang cảm thấy lạc quan với thị trường cổ phiếu nhờ bước đột phá công nghệ của startup DeepSeek và các dấu hiệu về sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo tờ Bloomberg, gánh nặng của các ngân hàng và quỹ trái phiếu Trung Quốc cho thấy nỗ lực bảo vệ đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh đang trở thành rắc rối đối với nhà đầu tư.
Tháng 9 năm ngoái, PBoC báo hiệu sẽ mở ra kỷ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng mới nhưng kể từ đó các quan chức đã có những động thái trái chiều, có thể do lo ngại việc nới lỏng quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng nội tệ.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường nghĩ rằng PBoC sẽ sớm gỡ rối cho thanh khoản. Các nhà đầu tư đặc biệt chú ý tới kỳ họp lưỡng hội quan trọng diễn ra vào tháng 3, khi các quan chức cấp cao của Trung Quốc công bố các ưu tiên chính sách cho năm nay.
Ông Zhaopeng Xing, chuyên gia cao của ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group, dự đoán việc trì hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này có thể giúp PBoC đưa ra những biện pháp nới lỏng hiệu quả hơn trong tương lai.
Đồng nhân dân tệ (ký hiệu là CNY) được giao dịch ở mức 7,2486 CNY đổi 1 USD vào ngày 24/2. Nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng bạc xanh trong hai tháng đầu năm nhưng vẫn yếu hơn nhiều mức 7 CNY đổi 1 USD trước khi PBoC tung ra loạt biện pháp nới lỏng vào tháng 9 năm ngoái.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Mỹ đã chính thức thông báo ban hành quy định mới về phòng vệ thương mại có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2025.
Các số liệu kinh tế gần đây yếu hơn dự kiến, bao gồm khảo sát công bố tuần trước cho thấy hoạt động kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng vào tháng này.
Sự bùng nổ của ngành xe điện Trung Quốc gây ra nhiều sự dư thừa lãng phí, điển hình là các nghĩa địa ô tô ở Hàng Châu.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett không xem xét bằng cấp của CEO bất kỳ công ty nào mà Berkshire Hathaway cân nhắc mua lại.