Kinh tế Quốc tế 21/07/2025 19:25

Trung Quốc ra sức thúc đẩy nhưng tiêu dùng vẫn ì ạch, nền kinh tế khó có sức bật

Khủng hoảng bất động sản, gánh nặng nợ nần và triển vọng việc làm mờ mịt đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc.

Khủng hoảng bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu. (Ảnh minh họa: Reuters). 

Tâm lý bất an 

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lắng xuống nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Bắc Kinh đang kỳ vọng rằng sức mua của 1,4 tỷ dân sẽ giúp bù đắp tác động kinh tế tiêu cực của thương chiến. Nhưng trái với mong muốn của các quan chức, nhiều người Trung Quốc vẫn tiếp tục tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Anh Zhuang Chengzhan, một cư dân ở Thượng Hải, nói với tờ Nikkei Asia rằng anh cần kiểm soát chi tiêu chặt chẽ để thanh toán nợ vay thế chấp cho căn hộ đã mua vào năm 2017.

Zhuang mua căn hộ đó với giá 2,2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 305.000 USD), nhưng nay giá trị thị trường của nó chỉ vào khoảng 1,8 triệu nhân dân tệ. Hiện anh đang phải dành phần lớn tiền lương để trả nốt 300.000 nhân dân tệ nợ vay mua nhà.

Anh chia sẻ: “Tôi đã mất khoảng 1 triệu nhân dân tệ trên thị trường nhà đất kể từ năm 2022. Với số tiền đó tôi thậm chí có thể mua một chiếc Porsche. Thật khó tin là tài sản của tôi có thể giảm nhiều đến thế chỉ trong vài năm”.

Trung Quốc báo cáo GDP nửa đầu năm 2025 tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa vẫn đang trong tình trạng ảm đạm. Các chủ nhà đang thắt chặt ví do lo ngại giá trị tài sản sẽ tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh bất động sản mất giá và thị trường lao động khó khăn. 

Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, bình luận: “Ngày càng nhiều người Trung Quốc lo lắng về việc bảo vệ số tài sản họ đã tích lũy trong quá khứ. Cảm giác bất an về tài chính đang lan rộng trong xã hội”.

Tiêu dùng yếu là tín hiệu đáng ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh thuế quan của Mỹ có nguy cơ khiến nhu cầu dành cho hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh trong nửa cuối năm.

Các chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải trải qua nỗi đau trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Bà Sima Jing, chuyên gia đầu tư của BCA Research, đánh giá: “Trung Quốc chắc chắn sẽ chứng kiến tăng trưởng giảm tốc mạnh trong quá trình tái cân bằng nền kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng”.

Bà dự đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục dồn lực vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao bất chấp những quan ngại về tình trạng dư thừa công suất.

“Trong vòng 6 đến 12 tháng tới, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ thua kém giai đoạn trước đại dịch”, vị chuyên gia nói thêm.

Trong năm nay, giới chức Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực kích thích tiêu dùng. Cụ thể, các quan chức đã tăng quy mô chương trình “thu cũ, đổi mới” lên 300 tỷ nhân dân tệ, gấp đôi so với năm ngoái.

Các nhà chức trách cũng tăng lương hưu cơ bản thêm 2% và đang thí nghiệm chương trình trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

 

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy xu hướng giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm của các hộ gia đình có vẻ đang bám chặt vào nền kinh tế. Đây là tín hiệu đáng ngại, gợi nhớ đến trải nghiệm của Nhật Bản sau khi bong bóng bất động sản sụp đổ vào cuối thập niên 1980.

Người Trung Quốc gửi 10.700 tỷ nhân dân tệ vào ngân hàng trong nửa đầu năm nay, nhưng chỉ vay thêm 1.170 tỷ nhân dân tệ. Kết quả là lượng tiền gửi ròng đã leo lên mức kỷ lục 78.000 tỷ nhân dân tệ, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Cùng lúc đó, doanh số bán lẻ cũng bất ngờ hụt hơi trong tháng 6 sau khi tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 5. Thước đo về niềm tin người tiêu dùng cũng chưa phục hồi đáng kể sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2022.

Nguyên nhân

Theo nhiều nhà phân tích, trở ngại chính khiến nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc khó thành là cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Theo tính toán của nhà kinh tế Adam Wolfe thuộc công ty nghiên cứu Absolute Strategy Research, giá nhà xây sẵn ở Trung Quốc đã tụt 15% kể từ giữa năm 2021, xóa sổ ít nhất 103.000 tỷ nhân dân tệ của cải trên giấy tờ của các hộ gia đình. Đây là con số cực kỳ lớn, tương ứng với 77% GDP Trung Quốc trong năm 2024.

Quy mô mức giảm lớn hơn cả thiệt hại mà các hộ gia đình Mỹ phải chịu trong giai đoạn 2007 - 2012. Trong khoảng thời gian này, mức giảm giá trị bất động sản dân cư của Mỹ tương ứng với 40% GDP năm 2012.

Ông Wolfe đánh giá: “Sự đổ vỡ của bong bóng nhà đất đã gây tác động nghiêm trọng lên của cải các hộ gia đình”.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính giá nhà tại Trung Quốc đã lao dốc khoảng 20% kể từ mức đỉnh hồi năm 2021. Họ dự đoán nhiều khả năng giá nhà sẽ tiếp tục giảm thêm 10% trước khi phục hồi vào năm 2027.

 

Một yếu tố khác là gánh nặng nợ nần. Nhiều chủ nhà đã bắt đầu trả bớt nợ vay thế chấp vào năm 2022, khi nợ hộ gia đình leo lên mức 145% thu nhập, theo báo cáo năm 2024 của Rhodium Group. Nỗ lực thanh toán nợ vay đã kìm hãm tiêu dùng và kéo tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình lên cao hơn.

Thị trường lao động ảm đạm cũng khiến nhiều người ngại bỏ tiền cho các khoản chi không thiết yếu. Do ảnh hưởng từ chính sách thương mại thất thường của ông Trump, các nhà máy Trung Quốc đang hạn chế thuê thêm lao động.

Capital Economics tính toán rằng gần 6 triệu người - tương đương 1,3% lực lượng lao động thành thị của Trung Quốc - đang đối mặt với nguy cơ mất việc do hậu quả trực tiếp từ thuế quan của Mỹ.

Các nhà chức trách Trung Quốc chưa tạo ra đủ việc làm trả lương cao. Dữ liệu cho thấy thu nhập của lao động di cư làm việc trong ngành bán lẻ thấp hơn 12% so với những người làm trong ngành sản xuất.

Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận xét: “Nếu các biện pháp kích thích của Trung Quốc có thể tạo ra việc làm mới để thay thế những công việc bị xóa sổ, đa số sẽ trả lương thấp hơn. Điều đó sẽ cản trở nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng của các quan chức”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 21/07/2025 23:18
Nga không loại trừ khả năng ông Putin và ông Trump gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng 9

Điện Kremlin để ngỏ khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nếu cả hai cùng có mặt trong các sự kiện kỷ niệm kết thúc Thế chiến 2 vào tháng 9 tới.

Kinh tế Quốc tế 21/07/2025 21:55
Fed sẽ không vội hạ lãi suất như các ngân hàng trung ương khác

Fed được dự báo sẽ chỉ giảm lãi suất khi có đủ điều kiện kinh tế phù hợp, trong khi các ngân hàng trung ương khác có thể tiến hành hai đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng.

Kinh tế Quốc tế 21/07/2025 20:29
Mỹ muốn đưa dầu thô Nga và Iran vào đàm phán thương mại với Trung Quốc

Trên một chương trình của CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh Trung Quốc đang mua rất nhiều dầu mỏ bị trừng phạt của Nga và Iran.

Kinh tế Quốc tế 21/07/2025 19:55
Hàn Quốc, Nhật Bản chạy đua với thời gian trong đàm phán thuế với Mỹ

Chỉ còn chưa đầy hai tuần trước khi Mỹ áp mức thuế mới, Hàn Quốc, Nhật Bản đang gấp rút đẩy nhanh đàm phán nhằm tránh kịch bản hàng xuất khẩu bị đánh thuế 25% theo cảnh báo từ Washington.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO