Trong báo cáo tháng 5, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu giảm 5,4 triệu tấn xuống còn 508,4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến phục hồi mạnh và tăng 12 triệu tấn lên mức kỷ lục mới là 521 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.
Mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Pakistan, nơi sản xuất gạo dự kiến sẽ phục hồi sau khi lũ lụt làm thiệt hại mùa màng trong niên vụ 2022-2023. Theo đó, sản lượng của Pakistan sẽ tăng từ 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 lên 9 triệu tấn trong vụ 2023-2024.
Ngoài ra, sản lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 3 triệu tấn lên 149 triệu tấn sau khi trải qua đợt hạn hán ở các tỉnh phía Nam trong năm trước.
Ấn Độ cũng được dự báo sẽ có một vụ mùa kỷ lục trong năm thứ tám liên tiếp với sản lượng vào khoảng 133 triệu tấn. Vụ mùa lớn hơn cũng được dự báo ở các nước sản xuất hàng đầu khác như Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Bangladesh.
USDA dự báo tiêu thụ gạo thế giới tăng 500.000 tấn lên mức kỷ lục 520 triệu tấn vào niên vụ 2023-2024. Trong đó, phần lớn tiêu thụ được sử dụng làm thực phẩm. Ngoài ra, xu hướng sử dụng gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi đã gia tăng trong những năm gần đây do giá thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng cao.
Nhưng việc sử dụng gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gạo tấm lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là nhà cung cấp gạo tấm lớn nhất của Trung Quốc là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9/2022, do đó Trung Quốc đã phải bù đắp sự sụt giảm này bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp khác nhưng nhìn chung nước này đang nhập khẩu với số lượng ít hơn.
Bên cạnh đó, giá các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi thay thế (ngô, lúa miến...) dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới và Trung Quốc có thể quay trở lại sử dụng các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi truyền thống.
Tiêu thụ gạo tại quốc gia tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới Ấn Độ được dự báo sẽ cao kỷ lục do Chính phủ nước này tiếp tục phân bổ gạo cho các chương trình phân phát cộng đồng.
Còn tại châu Phi cận Sahara, Nam Á và Trung Đông, tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng do dân số gia tăng.
Dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 theo dự báo của USDA sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống 167 triệu tấn. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 81% dự trữ gạo toàn cầu.
Tồn kho của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi và chiếm phần lớn tồn kho toàn cầu. Trong khi tồn kho ở Ấn Độ được dự báo sẽ giảm do nhu cầu sử dụng trong nước tăng mạnh và xuất khẩu ổn định. Dự trữ cuối vụ của Mỹ được dự báo sẽ tăng trở lại với một vụ mùa lớn hơn.
Nhìn chung, tồn kho tại các nước xuất khẩu gạo lớn các quốc gia được dự báo sẽ giảm trong năm thứ ba liên tiếp.
Theo dự báo của USDA, nhập khẩu gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2024 hầu như không đổi so với năm 2023 ở mức 55,8 triệu tấn, do nhập khẩu thấp hơn ở Đông Nam Á sẽ được bù đắp bằng nhu cầu gia tăng từ châu Phi cận Sahara và Nam Á.
Mức giảm lớn nhất được ghi nhận tại Indonesia, nơi nhập khẩu được dự báo giảm 1,1 triệu tấn xuống 700.000 tấn trong năm 2024. Vào tháng 3, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Do đó lượng dự trữ lớn trong năm nay sẽ dẫn đến nhập khẩu gạo của nước này ít hơn vào năm tới.
Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu với khối lượng tương đương 5 triệu tấn như trong năm 2023 do giá gạo xay xát cạnh tranh trên toàn cầu. Gạo tấm nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan, được cho là nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Trung Quốc sẽ không tiếp tục với số lượng lớn do gạo mất lợi thế về giá so với ngô làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhập khẩu của Philippines được dự báo giảm nhẹ xuống 3,6 triệu tấn với dự báo sản xuất lớn hơn và tiêu thụ tiếp tục tăng. Tiêu thụ gạo tại nước này đã tăng so với lúa mì do lạm phát giá gạo ít hơn so với lúa mì.
Tại Trung Đông, Iraq dự kiến sẽ nhập khẩu 1,9 triệu tấn vào năm tới, thấp hơn 100 nghìn tấn so với năm nay. Lượng gạo nhập khẩu vào Iraq đã tăng vọt trong những tháng gần đây, do sản lượng trong vụ thu hoạch gần đây giảm và tiêu dùng tăng. Với vụ mùa dự kiến phục hồi trong niên vụ 2023/2024, nhập khẩu gạo của nước này được dự báo sẽ giảm nhẹ.
Còn tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia, nhập khẩu và tiêu thụ gạo được dự báo tăng nhẹ do dân số tăng, du lịch cải thiện và lượng người lao động nước ngoài tăng.
Nhập khẩu gạo của Liên minh châu Âu trong năm 2024 được dự báo vào khoảng 2,7 triệu tấn, không thay đổi so với mức kỷ lục của năm 2023. Mặc dù vụ mùa của EU dự kiến sẽ cao hơn, nhưng mức tiêu thụ vẫn được dự đoán sẽ tăng so với năm 2023.
Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực nhập khẩu lớn nhất thế giới và được dự báo sẽ nhập khẩu hơn 17 triệu tấn trong năm 2024, tăng 600.000 tấn so với năm 2023. Nhập khẩu tiếp tục tăng do mức tiêu thụ vượt quá sự gia tăng trong sản xuất của khu vực.
Tăng trưởng tiêu thụ gạo của khu vực này được thúc đẩy bởi dân số gia tăng, chế độ ăn uống thay đổi và thị hiếu của người tiêu dùng đối với các loại gạo châu Á. Trong khu vực, Nigeria, Bờ Biển Ngà và Senegal đều được dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong năm tới.
Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2024 được dự báo không đổi ở mức 22,5 triệu tấn và Ấn Độ sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn ở mức cao bất chấp thuế xuất khẩu hiện hành và lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh do các chuyến hàng gạo tấm bị đình trệ, tuy nhiên Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp lớn cho các thị trường ở châu Phi, châu Á và Trung Đông do giá cả cạnh tranh.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2024, giảm 400.000 tấn so với năm 2023, chủ yếu do nhu cầu giảm mạnh từ Indonesia. Trong khi Philippines và Trung Quốc, chiếm tổng cộng 60% xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục mua một lượng lớn vào năm tới. Ngoài ra, nhu cầu tại khu vực châu Phi cận Saharan cũng đang tăng lên.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo ở mức 8 triệu tấn trong năm tới, giảm 500.000 tấn so với năm 2023. Chủ yếu do nhu cầu thấp hơn dự kiến từ Đông Nam Á, đặc biệt là từ Indonesia. Tuy nhiên, nguồn cung lớn có thể sẽ giữ cho giá xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục cạnh tranh.
Xuất khẩu của Pakistan dự kiến tăng 700.000 tấn lên 4,5 triệu tấn trong năm tới nhờ vụ mùa phục hồi. Niên vụ 2022-2023 bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đã hạn chế nguồn cung xuất khẩu của nước này. Nhưng sản lượng năm 2023-2024 được dự báo sẽ tăng 60%, điều này sẽ dẫn đến giá thấp hơn và xuất khẩu nhiều hơn.
Xuất khẩu của Myanmar cũng được dự báo tăng 200.000 tấn lên 2,2 triệu tấn do các thị trường trọng điểm bao gồm EU tiếp tục có nhu cầu gạo Myanmar. Hơn nữa, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng trở lại sau một vụ mùa nhỏ hơn vào năm 2022-2023.
Trong khi đó, xuất khẩu của Brazil được dự báo giảm xuống còn 900.000 tấn do nước này trải qua vụ mùa được dự báo thấp nhất trong hơn 25 năm, sau khi xuất khẩu vượt quá 1 triệu tấn trong 2 năm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, đồng tiền Brazil mất giá sẽ tiếp tục khuyến khích xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ Latinh.
Giá dầu thô, kim loại và nông sản đồng loạt giảm phiên giao dịch 6/11, giữa bối cảnh đồng USD tăng giá và ứng viên Donald Trump đạt đủ 270 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Giá thép thanh Trung Quốc trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm trong phiên giao dịch ngày 6/11, dứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp, trong khi giá quặng sắt tiếp đà tăng hơn 1%.
Giá vàng giảm gần 1% xuống mức thấp nhất 3 tuần sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Hiện nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ kết quả cuộc họp của Fed cũng sẽ diễn ra trong tuần này.
Giá heo hơi tại ba miền đang dao động trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg. Một số chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai sẽ tiếp tục điều chỉnh tại một số địa phương.