Vĩ Mô 15/05/2025 14:45

Vì sao Vinspeed đề xuất dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dù được cho là non trẻ?

Vinspeed – một cái tên khá mới mẻ trong hệ sinh thái Vingroup gây chú ý khi đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD. Vậy động lực nào để một doanh nghiệp được cho là “non trẻ” đưa ra quyết định như vậy?

Trước tiên, cần nói rằng, đây là một thông tin không mới khi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup chia sẻ về việc bổ sung hai trụ cột gồm hạ tầng và năng lượng sạch tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tổ chức mới đây.

Điểm được nhiều người quan tâm là quy mô, đây là đề xuất đầu tư có quy mô lớn chưa từng có từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trước nhiều câu hỏi được đặt ra về năng lực và động cơ, đại diện Vinspeed bà Đào Thụy Vân, Phó Tổng Giám đốc đã có những chia sẻ.

Theo phương án tài chính mà Vinspeed trình bày, doanh nghiệp đề xuất được Nhà nước cho vay lại 80% tổng vốn đầu tư (khoảng 49 tỷ USD) trong vòng 35 năm. Phần còn lại, tương đương 20% vốn đối ứng, do doanh nghiệp tự thu xếp. Bà Đào Thụy Vân cho biết: “Chúng tôi tự tin là nếu đề xuất được phê duyệt, thì Vinspeed sẽ huy động được khoảng 300.000 tỷ đồng. Phần vốn tự có có thể thu xếp khoảng 45.000 tỷ đồng.”

Khi được hỏi về mục tiêu đề xuất của dự án, bà Vân nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định đây là dự án cống hiến, không phải dự án vì lợi nhuận.”

Theo bà Vân, đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực khó sinh lời. Trên thế giới, 98% các tuyến đều không có lãi, và sau 30 năm khai thác, phần lớn đều phải tái đầu tư. Vì vậy, Vinspeed tiếp cận dự án này không dưới góc độ lợi nhuận, mà xuất phát từ mong muốn đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân ở các địa phươngngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân ở các địa phương.

Về phần pháp nhân và mối quan hệ với Vingroup, bà Vân khẳng định Vinspeed là một công ty độc lập, không phải công ty con của Tập đoàn Vingroup, dù có chung nhà sáng lập là ông Phạm Nhật Vượng. Vinspeed được thành lập với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỷ đồng (51%), Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2.100 tỷ đồng (35%), Tập đoàn Vingroup góp 600 tỷ đồng (10%), bà Phạm Thúy Hằng góp 180 tỷ đồng (3%), hai người con của ông Vượng – Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh – mỗi người góp 30 tỷ đồng (0,5%).

Bà Vân lý giải Vinspeed có chung nhà sáng lập với Tập đoàn Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, công ty này được tổ chức như một pháp nhân riêng biệt. Việc ông Vượng để Vinspeed đứng riêng là để tách phần khó khăn ra khỏi Vingroup, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông tập đoàn.

“Để không ảnh hưởng đến cổ đông VIC và chuyên tâm triển khai dự án cống hiến này, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã thành lập Vinspeed độc lập, Vingroup chỉ chiếm 10% trong Vinspeed. Nếu có lỗ thì cổ đông Vinspeed chịu chứ không phải cổ đông VIC hay các công ty trong hệ sinh thái”.

Trả lời về nghi vấn về khả năng Vinspeed tận dụng dự án để “gom” bất động sản quanh các nhà ga, bà Đào Thụy Vân phản hồi rõ: “Nếu chỉ vì động cơ gom đất vàng thì không ai chọn dấn thân vào dự án chắc chắn lỗ thế này trong khi hai nơi có giá trị và tiềm năng cao nhất là Hà Nội và TP.HCM đều không còn dư địa để làm dự án bất động sản quanh nhà ga nữa.”

Nói thêm về đề xuất này, Vinspeed cho biết đang làm việc với đối tác từ Trung Quốc, Đức và Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ, với mục tiêu sản xuất đầu máy, toa xe và hệ thống điều hiển tại Việt Nam.

Đó là những gì liên quan đến động cơ thực hiện và khả năng tài chính để triển khai dự án từ góc độ của đơn vị đề xuất. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ngày 12/5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Vinspeed.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến, đề xuất các nội dung theo chức năng nhiệm vụ, gửi văn bản đến Bộ Xây dựng trước ngày 19/5. Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng, trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 22/5, báo cáo cấp có thẩm quyền và Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (khi được cấp có thẩm quyền cho phép).

Vinspeed chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa hai phương án đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân.  Trong đó làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư..., từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư: nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Đồng thời, Vinspeed làm việc với các bộ, cơ quan gồm Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để làm rõ, hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hoàng Linh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 15/05/2025 20:55
Hai cán bộ hải quan và 32 người bị bắt vì buôn lậu xăng dầu

Lê Tấn Hòa cùng đồng phạm bị cáo buộc thành lập doanh nghiệp vận tải xăng dầu để lợi dụng chính sách miễn thuế, hối lộ hải quan, buôn lậu hàng triệu lít xăng dầu.

Vĩ Mô 15/05/2025 20:40
Ca Covid tăng nhẹ, TP HCM khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, trong bối cảnh ca Covid-19 tăng nhẹ.

Vĩ Mô 15/05/2025 20:10
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi

Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi nhằm duy trì mức sinh thay thế.

Vĩ Mô 15/05/2025 19:55
Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế ra sao sau 4 tháng đầu năm?

4 tháng đầu năm, một số lĩnh vực tại Quảng Ninh ghi nhận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2024, như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,54%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,3%.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO