Việt Nam là một trong 30 nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xếp hạng Việt Nam vào nhóm 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Theo xếp hạng được công bố mới đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Và trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong vài năm gần đây, báo Đầu tư đưa tin. 

Cụ thể, trong năm 2021 Việt Nam có giá trị xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, giá trị nhập khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 20 trên thế giới. Và kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, vượt qua Thái Lan, Malaysia, chỉ xếp sau Singapore về tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa.

Số liệu thống kê cũng cho thấy từ năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài nhập siêu. Đến năm 2021 Việt Nam xuất siêu khoảng 8 tỷ USD, và trong năm 2022 giá trị xuất siêu dự báo tăng lên khoảng 10 tỷ USD.

 Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2021 (Nguồn: báo Đầu tư). 

Hoạt động xuất nhập khẩu đã có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục. Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2007 đạt 100 tỷ USD, nhưng chỉ 4 năm sau (2011) đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc trị giá 300 tỷ USD.

Chỉ hai năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.  Sau đó mỗi hai năm tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỷ USD, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019, và cán mốc 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%, nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng hơn 10%. Cả nước ghi nhận thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Tính đến tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt mốc 700 tỷ USD. 

Như Huỳnh
CÙNG CHUYÊN MỤC
OPEC+ tăng mạnh sản lượng, Arab Saudi vẫn nâng giá dầu bán cho châu Á

Arab Saudi tăng giá dầu thêm 1 USD/thùng sau khi OPEC+ quyết định nâng sản lượng 548.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Brazil có thể vượt qua Việt Nam về sản xuất cà phê robusta?

Nhà xuất khẩu cà phê Grupo Tristao của Brazil nhận định sản lượng cà phê tại bang Espirito Santo có thể vượt Việt Nam trong vài năm tới, khi công ty này lên kế hoạch xây dựng một nhà kho lớn mới trong khu vực nhằm đáp ứng sự gia tăng nguồn cung.

Giá thịt heo hôm nay 7/7: Đồng loạt lặng sóng, nạc dăm heo ổn định tại mức 157.520 đồng/kg

Giá thịt heo tiếp tục duy trì ổn định tại hệ thống cửa hàng WinMart. Theo ghi nhận mới nhất, thịt nạc dăm heo được bán với giá 157.520 đồng/kg.

Giá phân bón ngày 7/7 đồng loạt chững lại, phân NPK 16 - 16 - 8 bình ổn

Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (7/7) đứng yên tại khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Theo đó, giá phân NPK 16 - 16 - 8 không ghi nhận thay đổi mới, dao động khoảng 700.000 - 740.000 đồng/bao.