VRA: Doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần tăng tỷ lệ cao su chế biến

Trong bối cảnh cơ cấu thị trường nhập khẩu cao su của Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, đang có nhiều thay đổi, doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam được khuyến nghị cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến so với cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Cục Hải quan, cho biết, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2025 đạt 115.457 tấn, trị giá 225,71 triệu USD, giảm 28,1% về lượng và 24,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 31,6% về lượng và 73,7% về trị giá so với tháng 2/2024.

Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su đạt 276.085 tấn, trị giá 524,36 triệu USD, giảm 7,4% về lượng nhưng lại tăng 21,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá xuất khẩu tăng.

Giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 2/2025 đạt 1.955 USD/ tấn, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng đến 32% so với cùng kỳ năm 2024, ghi nhận mức giá cao nhất nhiều năm qua. Bình quân 2 tháng đầu năm 2025, giá cao su xuất khẩu tăng 32,7%, đạt 1.899 USD/tấn.

Giá cao su ở mức cao được hỗ trợ bởi các yếu tố như nguồn cung thiếu hụt do hiện tượng La Nina, ảnh hưởng đến các nước sản xuất chính, nhu cầu sản xuất tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có yếu tố ảnh hưởng xấu đến giá cao su như nhu cầu tiêu thụ giảm khi Mỹ tăng thuế suất lên ô tô nhập khẩu và động thái trì hoãn thực hiện quy định EUDR của EU.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025, chiếm tỷ trọng 74,3% về lượng và 73,7% tổng trị giá cao su xuất khẩu, đạt 205.220 tấn, trị giá 386,6 triệu USD, giảm 9,4% về lượng nhưng tăng 21,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Xếp sau Trung Quốc là thị trường Ấn Độ với 9.744 tấn, trị giá 19,68 triệu USD, giá bình quân 2.020 USD/tấn; giảm mạnh 45,5% về lượng và giảm 27,5% về giá trị nhưng tăng 33,1% về giá.

Malaysia trở thành thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 3 của Việt Nam. Xuất khẩu cao su sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm đạt 8.979 tấn, trị giá 13,87 triệu USD, tăng gấp 7,4 lần về lượng và tăng 8,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu cao su sang Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, đạt 8.267 tấn và trị giá 16,65 triệu USD, tăng đến 174,4% về khối lượng và 206,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Về chủng loại, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) chiếm đến gần 62% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, đạt 170.889 tấn, trị giá 332,5 triệu USD, giảm 7% về khối lượng nhưng tăng 24,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, chủng loại này được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Trung Quốc.

Nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc đã hồi phục sau khi giảm mạnh vào năm 2024 do được hỗ trợ bởi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Tuy nhu cầu đang tăng trở lại, song lượng cao su mà Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm vẫn giảm 10,1%, xuống 282.313 tấn, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Với kết quả này, Việt Nam vẫn đứng thứ hai về xuất khẩu cao su vào Trung Quốc, nhưng thị phần đã giảm xuống còn 19,8% so với mức 27,2% cùng kỳ năm 2024.

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ các nước khác như Thái Lan với 446.809 tấn, tăng 32,4%; Nga đạt 140.480 tấn, tăng 70,8%; Bờ Biển Ngà đạt 94.644 tấn, tăng 56,9%.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2025 bình quân đạt 1.900 USD/tấn, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn đáng kể so với các thị trường khác như Nga, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Myanmar, nhưng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia.

Thời báo tài chính Việt Nam dẫn đánh giá của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển hơn nữa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid nên nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao.

Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến sâu rất thấp. VRA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Trong bối cảnh cơ cấu thị trường nhập khẩu cao su của Trung Quốc đang có sự thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho Việt Nam, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ, nhằm hạn chế rủi ro thay vì phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định.

Đặc biệt, cần tăng tốc mở rộng thị phần tại thị trường EU. Bởi EU là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt bình quân 75 tỷ USD. EU đồng thời là thị trường xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, chiếm 31-34,5% tổng xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su toàn cầu.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ớt, chanh leo, tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc ký Nghị định thư, mở đường cho các sản phẩm như ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch, cám gạo xuất sang thị trường tỷ dân.

Giá sầu riêng hôm nay 15/4: Thái Lan đề nghị Trung Quốc nới lỏng hạn chế xuất khẩu sầu riêng

Giá sầu riêng hôm nay không có nhiều thay đổi tại hầu hết các vùng thu mua chính trên cả nước. Trong khi đó, Thái Lan đang thúc giục các cơ quan chức năng Trung Quốc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu sầu riêng.

Thuế đối ứng của Mỹ: Biến số lớn với ngành cá tra Việt Nam

Cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên lần này được cho là mức cao nhất lịch sử. Hiện các doanh nghiệp cá tra đều đang lo lắng về mức thuế mới.

JP Morgan: Giá dầu sẽ xuống 58 USD

JP Morgan hôm 14/4 đã hạ dự báo giá dầu thô năm 2025 và 2026 do sản lượng của OPEC+ tăng lên trong khi nhu cầu toàn cầu yếu đi, theo Reuters.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO