Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm sâu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp khẩn bàn giải pháp

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang gặp khó do siết chặt kiểm tra chất lượng và quy định kỹ thuật. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, từ cấp mã số vùng trồng đến hoàn thiện hệ thống pháp luật để ổn định đầu ra và phát triển bền vững ngành hàng.

Người Lao động dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết, ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.

Cuộc họp diễn ra sau báo cáo của Bộ NN&MT cho thấy, những tháng đầu năm nay xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 20% kế hoạch đề ra. Cụ thể, 4 tháng qua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chỉ đạt 35.000 tấn, trị giá khoảng 120-130 triệu USD.

Kết quả này không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng 1/4 so với giá xuất khẩu.

Theo Bộ NN&MT, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp.

Một nguyên nhân khác là do việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống phòng kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Thêm vào đó, báo điện tử Chính phủ cho biết, Trung Quốc lần đầu tiên đưa phụ gia vào nghị định thư kiểm dịch, siết chặt kiểm tra 100% lô hàng để phát hiện các chất cấm như cadmium và vàng O, làm gia tăng chi phí và thời gian thông quan.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.

Về ngắn hạn, Bộ NN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn. Đây là bước đi cần thiết để khôi phục niềm tin từ phía đối tác Trung Quốc.

Về dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, có quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định… Cùng với đó là việc xây dựng chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu; xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Cũng theo báo điện tử Chính phủ, để hiện thực hóa các giải pháp, Bộ trưởng đề nghị ban hành thông tư hướng dẫn quy trình cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho sầu riêng xuất khẩu.

Đồng thời, một hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp và địa phương trọng điểm như Tiền Giang, Đắk Lắk, và Cần Thơ sẽ được tổ chức để thống nhất phương án hành động. Ngoài ra, Bộ chuẩn bị hồ sơ và chương trình để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Chính phủ trước chuyến công tác sang Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh nhằm nâng cao giá trị và giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc giữ vững thị trường sầu riêng không thể dựa vào tăng trưởng nóng mà cần nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, và hệ thống quản lý minh bạch. Các cơ quan chuyên môn được yêu cầu nỗ lực hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị, và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên trường quốc tế. Đây không chỉ là cuộc chiến giữ thị trường mà còn là hành trình khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Xuất khẩu hồ tiêu tăng 58% về giá trị

Xuất khẩu hồ tiêu những tháng đầu năm 2025 giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng.

Dự báo giá heo hơi ngày 10/5: Thị trường diễn biến khó lường

Với diễn biến của giá heo hơi những ngày vừa qua, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động khó lường.

Điện khí LNG được mua bao tiêu 65% sản lượng trong 10 năm

Dự án điện khí LNG nhập khẩu được bao tiêu ít nhất 65% sản lượng hàng năm, tối đa 10 năm, theo Nghị định của Chính phủ.

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh từ ngày mai

Từ ngày 10/5, mỗi kWh điện có giá hơn 2.204,7 đồng áp dụng, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).