Xuất khẩu sầu riêng tăng phi mã, thu về hơn nửa tỷ USD trong một tháng

Trong tháng 8, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt kỷ lục 536,3 triệu USD, tăng 91,4% so với tháng trước và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm, doanh thu từ xuất khẩu sầu riêng đã gần bằng cả năm 2023.

Xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy) của Việt Nam đạt kỷ lục gần 150.000 tấn, trị giá 536,3 triệu USD, tăng 97,1% về lượng và tăng 91,4% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng 2,6 lần về lượng và 2,5 lần về trị giá.

Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 626.000 tấn, trị giá 2,14 tỷ USD, tăng 67,5% về lượng và 67% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ sau 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu “trái cây vua” đã gần bằng con số 2,24 tỷ USD đạt được trong cả năm ngoái và chiếm 45,3% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Về cơ cấu mặt hàng, sầu riêng tươi chiếm hơn 94% tổng xuất khẩu sầu riêng 8 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 2 tỷ USD; sầu riêng đông lạnh đạt 116,8 triệu USD, chiếm 5,4%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng xuất khẩu các loại sầu riêng chế biến ở dạng sấy khô, xay nhuyễn..., tuy nhiên, trị giá xuất khẩu ở mức thấp.

Giá bình quân xuất khẩu sầu riêng các loại trong 8 tháng đầu năm đạt 3.418 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 8, giá đạt bình quân 3.577 USD/tấn, giảm 2,9% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm, chiếm 91,26% thị phần với kim ngạch đạt 1,95 tỷ USD, tăng tới 68,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng tháng 8, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này đạt 481,2 triệu USD, tăng 94,7% so với tháng trước và tăng 159,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng cao được xem là yếu tố chính giúp cho xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tiếp tục thắng lớn trong năm nay.

Ngoài ra, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam các thị trường khác cũng tăng rất mạnh trong 8 tháng đầu năm như: Hong Kong tăng 14,9%; Đài Loan tăng 19%; đặc biệt, Papua New Guinea tăng 216,5%; Nhật Bản tăng 103,7%; Campuchia tăng 19 lần...

Ngay cả Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng chi 101,2 triệu USD để nhập khẩu loại trái cây này từ Việt Nam, tăng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đưa Thái Lan trở thành khách hàng lớn thứ hai của sầu riêng Việt Nam, chiếm 4,7% thị phần.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Việt Nam có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam được cho là vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt là khi sầu riêng đông lạnh của Việt Nam mới đây đã chính thức được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ngày 19/8 vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Đây là xem là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc diễn ra vào tháng 9 vừa qua, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết, năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.

"Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu", ông Đạt nhận định.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành hàng rau quả Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của trái sầu riêng trong các tháng còn lại năm nay.

Việt Nam có lợi thế nguồn cung sầu riêng quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ. Bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành hàng rau quả Việt Nam cần sớm khắc phục nhược điểm về chất lượng sản phẩm.

Theo tin từ Thời báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép.

Về phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung và các vấn đề liên quan tới chất lượng. Sầu riêng được trồng tại một số vùng có thổ nhưỡng không phù hợp dẫn tới chất lượng kém, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Cơ quan quản lý khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp giám sát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung…

Khảo sát trên thị trường nội địa, giá sầu riêng RI6 mua xô đang có giá dao động trong khoảng 45.000 - 54.000 đồng/kg, còn loại đẹp đắt hơn khoảng 13.000 đồng/kg. Đối với sầu Thái, giá loại mua xô ghi nhận ở 64.000 - 70.000 đồng/kg và loại đẹp là 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá lúa gạo hôm nay 4/10: Giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất một năm

Ghi nhận trong ngày hôm nay, giá lúa gạo trong nước tiếp tục đi ngang so với ngày hôm qua. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất một năm sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu, làm tăng nguồn cung trên toàn cầu.

Xuất khẩu cao su tăng mạnh trong tháng 9

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su tháng 9 tăng 29,2% về lượng và tăng mạnh 68,4% về giá trị.

Giá cao su hôm nay 4/10: Duy trì ở mức cao trên các sàn giao dịch, trong nước tiếp tục tăng

Giá cao su hôm nay không có nhiều biến động trên các sàn giao dịch. Tuy nhiên, thị trường trong nước tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su cả Việt Nam giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giá sầu riêng hôm nay 4/10: Không có nhiều biến động

Giá sầu riêng hôm nay 4/10 lặng sóng tại các khu vực trồng chính trên cả nước, dao động trong khoảng 45.000 - 100.000 đồng/kg.