Kinh tế nửa đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực,GDP quý II tăng 7,96%, GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng tới 7,52% – mức tăng trưởng cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, thay vì sụt giảm như lo lắng của các chuyên gia khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng vào ngày 2/4, xuất khẩu lại tăng trưởng mạnh nhờ việc hoãn thuế quan 90 ngày.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2025. (Nguồn: SSI Research).
Không thể phủ nhận nền kinh tế nửa đầu năm bứt phá một phần nhờ việc Tổng thống Trump thông báo áp thuế cao vào ngày 2/4 và sau đó lại cho thời gian hoãn 90 ngày đến ngày 9/7, sau đó kéo dài thêm đến 1/8. Điều này khiến các nhà nhập khẩu vội vàng tăng tốc, đặt trước các đơn hàng để tránh thuế quan tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 6 tháng năm 2025 đạt hơn 70,9 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả nửa đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,4% tổng giá trị xuất khẩu. Nhập khẩu tăng 17,9%, chủ yếu do nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chiếm 93,7% tổng giá trị nhập khẩu. Thặng dư thương mại thu hẹp xuống còn 7,63 tỷ USD, giảm so với mức 12,15 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho hay, trong 15 ngày đầu tháng 7, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7 đạt 19,04 tỷ USD, giảm 13,2% (tương ứng giảm 2,89 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6.
Điều này cho thấy, tuy xuất khẩu đang có những điểm sáng tích cực nhưng xu hướng sụt giảm là khó tránh khỏi ở nửa cuối năm, do nửa đầu năm đã tăng rất cao và rủi ro thuế quan chỉ tạm hoãn lại chứ không hoàn toàn mất đi.
PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: NVCC).
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng trong nửa cuối năm xuất khẩu sụt giảm là một điều đã được dự báo từ trước.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này. Thứ nhất, trong ba tháng gần đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất đều ở dưới ngưỡng 50 điểm, thậm chí lượng đơn hàng mới còn xuống thấp nhất hai năm cho thấy khó khăn của khu vực sản xuất.
Trong khi đó, phần lớn sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện vẫn đang hướng đến xuất khẩu. Vậy nên khi khu vực sản xuất khó khăn chắc chắn xuất khẩu cũng sẽ sụt giảm.
Thứ hai là trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh mẽ, một phần là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các nhà nhập khẩu đều tăng tốc để "chạy thuế quan". Những cái đơn hàng được làm rất gấp để kịp thời hạn hoãn thuế quan 90 ngày.
Điều này dẫn đến xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm tăng tới 30%, nhưng dĩ nhiên khi các cái đơn hàng đã được làm từ trước thì nhu cầu ở nửa sau của năm cũng không nhiều.
Thậm chí, ngay cả người tiêu dùng của Mỹ, họ cũng mua sắm trước để tránh bị tăng giá nên nhu cầu các tháng tới sẽ sụt giảm. Đặc biệt là khi thuế đối ứng chính thức áp dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, bởi dù thuế đối với Việt Nam có ngang bằng hoặc thấp hơn các quốc gia khác thì việc thuế tăng chung đẩy giá hàng hoá lên cao cũng khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm đi.
"Như vậy, kể cả khi thuế đối ứng mà ông Trump công bố thấp cho Việt Nam thì tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm cũng sẽ duy trì hoặc sụt giảm đôi chút so với quý III, chứ không có sự đột phá", ông Huân nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm thì đối với xuất khẩu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, bên cạnh thị trường Mỹ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tập trung vào đầu tư công và tiêu dùng nội địa.
"Khi một trong ba trụ cột chính cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu bị sụt giảm thì bắt buộc phải đẩy hai trụ cột còn lại là tiêu dùng và đầu tư công lên rất mạnh thì mới có thể bù đắp được khoảng trống mà xuất khẩu để lại", PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Trao đổi tại một sự kiện mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng đánh giá giải ngân đầu tư công nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng rất mạnh, tới 25%.
"Chưa bao giờ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao như vậy. Những năm trước, giải ngân đầu tư công cao nhưng thu ngân sách còn cao hơn chi ngân sách. Năm nay, có điểm đặc biệt là chi ngân sách tăng cao hơn thu. Điều này cho thấy cả về tiền tệ lẫn tài khoá đều đang hỗ trợ tăng trưởng", ông Thành chỉ ra.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. (Nguồn: Mirae Asset).
Trong 6 tháng cuối năm, ông cho rằng yếu tố hỗ trợ về tiền tệ và tài khoá vẫn được tiếp tục. Bởi ngay kể cả với mức tăng trưởng cao của nhiều chỉ số về tiền tệ, tài khoá trong nửa đầu năm, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, sức mua của thị trường nội địa còn yếu. Để gia tăng sức cầu, cần tập trung vào các chính sách cắt giảm thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tháo gỡ khó khăn của các dự án còn vướng mắc để giải phóng nguồn lực, tạo niềm tin tăng khả năng tiêu dùng của người dân.
Các chuyên gia từ SSI Research cũng cho rằng, rủi ro thuế quan giảm và tiến trình cải cách thể chế cùng tinh gọn bộ máy nhà nước được đẩy nhanh sẽ là những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bên cạnh đầu tư và tiêu dùng nội địa - hai yếu tố được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho nửa cuối năm.
Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 từ Công ty Chứng khoán SSI cũng nêu rõ, kinh tế Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 với nhiều kỳ vọng, hỗ trợ bởi các động lực tăng trưởng nội tại (tiêu dùng trong nước, đầu tư công) và tiến trình cải cách thể chế ngày càng tăng tốc.
Dự báo các chỉ số vĩ mô. (Nguồn: SSI Research).
Mặc dù các yếu tố bất định bên ngoài vẫn hiện hữu, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị, quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì xu hướng đi lên rõ rệt. Việc sớm đạt thỏa thuận khung thương mại đối ứng với Mỹ là một yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trước các bất ổn thuế quan.
Với yếu tố vĩ mô từ bên ngoài, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn phủ bóng bởi sự bất định, do sự đan xen phức tạp giữa chủ nghĩa bảo hộ thương mại quay trở lại và căng thẳng địa chính trị kéo dài. Những thách thức này tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và quyết định chính sách tại các nền kinh tế lớn.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2025, với khả năng phục hồi nhẹ vào năm 2026. Trong bối cảnh hạn chế về tài khóa, chính sách tiền tệ sẽ trở thành công cụ hỗ trợ chính.
Các ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), với dự báo sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm 2025 và ba lần trong năm 2026. Các ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi có khả năng sẽ điều chỉnh theo, nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và đảm bảo ổn định tài chính.
Điều này tạo dư địa cho chính sách tiền tệ mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng, lãi suất chính sách dự kiến sẽ giữ ổn định trong nửa cuối năm 2025 và có khả năng sẽ giảm khoảng 50 điểm cơ bản vào năm 2026, phản ánh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ chung trên quy mô toàn cầu và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Một yếu tố khác thúc đẩy dòng vốn là nhà đầu đầu tư nước ngoài – cả trực tiếp và gián tiếp đang quay trở lại khi lo ngại về thuế quan giảm dần và khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi.
Nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường vốn, các chuyên gia SSI kỳ vọng tăng trưởng cả năm 2025 của Việt Nam sẽ mức 7,5 - 8%.
Chuyên gia cho rằng thuế suất thu nhập cá nhân tối đa 20-25% sẽ phù hợp hơn với Việt Nam khi thu nhập bình quân không cao, nền kinh tế cần tích lũy và đầu tư.
Bộ Nội vụ đề xuất tổng công trình sư được hưởng lương chuyên gia cao cấp bậc 3, tương đương chức danh bộ trưởng, kèm cơ chế hợp đồng, thưởng và miễn thuế thu nhập.
Việc khởi công đồng thời hai tuyến đường sắt đô thị lớn trong quý IV/2025 được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông lên các trục đường huyết mạch, đặc biệt trong nội đô và khu vực cửa ngõ phía Tây.
Sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, đến năm 2024, các công ty nông nghiệp đã thực hiện khoán gần 114.000 ha, khoảng 25,69% tổng diện tích đất nông nghiệp của các công ty đưa vào sử dụng.