Tháng 1 trùng với hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài. Do đó, tình hình sản xuất - bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 1 giảm sút.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm trong tháng 1 giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 2 triệu tấn, trong khi sản lượng hơn 2,3 triệu tấn.
Bán hàng thép thành phẩm trong tháng 1/2025 (Bao gồm xuất khẩu và nội địa) | ||
Chủng loại thép thành phẩm | Bán hàng (tấn) | So với cùng kỳ năm ngoái |
Thép xây dựng | 754.350 | -24,8% |
Thép cán nóng (HRC) | 553.695 | -7,8% |
Thép cán nguội (CRC) | 222.709 | 12,1% |
Tôn mạ | 360.956 | -18,1% |
Ống thép | 170.956 | -9,5% |
Tổng cộng | 2.062.666 | -15,2% |
Xét ở cơ cấu mặt hàng, bán hàng thép xây dựng giảm mạnh nhất (25%). Lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 1/2025 thấp hơn bình quân các tháng năm 2024 và bình quân tháng 1 trong giai đoạn đoạn 2020 – 2025. Việc cạnh tranh để bảo vệ thị phần hay mở rộng thị phần giữa các nhà máy bao gồm cả hàng nhập khẩu và các nhà thương mại khiến thị trường khó khăn và không đạt kỳ vọng của mùa xây dựng.
Trong cơ cấu thị trường tiêu thụ thép thành phẩm, kênh xuất khẩu thép trong tháng 1 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu thép thành phẩm giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 476.045 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu bán hàng khoảng 19%, giảm so với con số 27% của cả năm 2024.
Xuất khẩu thép thành phẩm trong tháng 1/2025 | ||
Chủng loại thép thành phẩm | Bán hàng (tấn) | So với cùng kỳ năm ngoái |
Thép xây dựng | 754.350 | -11,4% |
Thép cán nóng (HRC) | 553.695 | -87,8% |
Thép cán nguội (CRC) | 222.709 | 111,9% |
Tôn mạ | 360.956 | -31,7% |
Ống thép | 170.956 | 10,7% |
Tổng cộng | 2.062.666 | -41,8% |
Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)
Trong đó, xuất khẩu thép HRC giảm mạnh nhất, chỉ ở mức 39.381 tấn, giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 7%, so với mức 33% của cả năm 2024. Đồng thời đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu thép HRC suy giảm.
Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)
Xu hướng xuất khẩu thép HRC giảm vẫn đang diễn diễn ra, thậm chí với tốc độ nhanh hơn trong bối cảnh hàng Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ ông lớn Trung Quốc tại các thị trường trên thế giới.
Ngoài cạnh tranh với ông lớn Trung Quốc, Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ làn sóng phòng vệ thương mại trên thế giới. Hồi tháng 8/2024, thép HRC Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc điều tra, áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Ấn Độ, EU.
Xuất khẩu thép của Việt Nam suy giảm trong bối cảnh phải đối diện với những bất ổn trong thương mại toàn cầu, đi kèm với làn sóng điều tra chống bán phá giá từ các nước.
Ngay từ đầu năm, thị trường thép toàn cầu nói chung đã phải đối mặt với yếu tố bất định liên quan đến chính sách thuế thép của Mỹ.
Theo đó, hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, không có ngoại lệ cho các đồng minh như Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Động thái này nhằm tăng giá kim loại nhập khẩu, giúp các sản phẩm nội địa Mỹ cạnh tranh hơn và đối phó với các khoản trợ cấp từ các chính phủ khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, ngành thép vốn đang chịu mức thuế 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng với hầu hết quốc gia trên thế giới (trừ một số đối tác thân cận như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh) từ năm 2018, sau khi ông Trump lên nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Điều này đồng nghĩa với việc, thuế thép của Việt Nam không đổi, trong khi đó các nước trước đây đã được miễn trừ theo Mục 232 nay bị áp.
Do đó, dưới góc nhìn tích cực, lệnh thuế này được xem là cơ hội đối với các sản phẩm thép Việt Nam bởi mức thuế khi bán hàng sang Mỹ đã được “cào bằng” giữa các quốc gia.
Ngoài ra, áp lực thiếu hụt nguồn cung và giá cao cũng sẽ buộc Mỹ phải tìm đến các đối tác nước ngoài.
“Theo kinh nghiệm từ đợt áp thuế vào năm giá thép tại Mỹ tăng vọt, trong khi nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng. Điều này buộc các nhà sản xuất của Mỹ phải tìm đến nguồn cung nước ngoài, thậm chí là từ các nước thay thế cho các nước đồng trước đây được miễn thuế. Khi đó, thép Việt Nam cũng đứng trước cơ hội được lựa chọn”, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam chia sẻ với chúng tôi.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn còn lại, thép Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức gián tiếp từ quyết định thuế mới của Mỹ.
“Mỹ áp thuế 25% với tất cả quốc gia, kể cả những nước đồng minh có thể khiến ‘dòng chảy’ của thép thay đổi. Các nước mới bị áp thuế có thể đẩy nguồn cung sang các nước khác, trong đó Việt Nam cũng đứng trước rủi ro này. Khi đó, áp lực thép nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ lớn hơn”, ông Thảo nói.
Bên cạnh đó, thép được xem mặt hàng “nhạy” với các với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Thống kê của VSA từ 2004 đến tháng 1/2025, Việt Nam đối mặt với 83 vụ việc, trong đó, kiện chống bán phá giá chiếm 49 vụ.
Tính riêng năm ngoái, chỉ trong vòng 4 tháng (tính từ tháng tháng 6/2024), đã có tới 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp liên quan đến phòng vệ thương mại mặt hàng thép. Trong đó bao gồm 6 vụ khởi xướng điều tra, và 1 vụ kết luận. Tháng 12/2024, Ấn Độ khởi xướng điều tra thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim của Việt Nam.
Bước sang năm 2025, Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn kẽm của Việt Nam. Do đó, trước làn sóng phòng vệ thương mại, thị trường nội địa đang được xem là lực đỡ cho ngành thép trong thời gian tới.
Ảnh: H.Mĩ
VSA đặt mục tiêu sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 8-10% giai đoạn 2025-2026 khi nhu cầu sử dụng thép các ngành kinh tế trong nước hồi phục trở lại. Hiệp hội dự báo sản xuất thép thành phẩm giai đoạn này sẽ đạt khoảng 30-32 triệu tấn, và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ước đạt khoảng 21,5- 22,5 triệu tấn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, cho rằng thị trường nội địa sẽ đóng vai trò là động lực chính cho ngành thép trong thời gian tới. Bởi không chỉ Mỹ, các nước đang ngày có xu hướng áp dụng các biện các biện pháp bảo hộ hơn. Việc ông Trump áp thuế thép cũng không phải là vấn đề quá mới.
Trong khi đó, thị trường trong nước có nhiều yếu tố thúc đẩy ở hai nhóm chính là đầu tư công và bất động sản. Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý của thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công như cầu, cảng, sân bay, cao tốc...
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghi quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Để đạt mục tiêu trên, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan thúc đẩy các giải pháp trong đó tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Theo đó, trong năm 2025, cơ bản hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
Bổ sung khoảng 84.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Việc tăng cường hơn nữa các dự án đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thép trong năm 2025 cũng như các năm tới. Ngoài ra, nỗ lực tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp các dự án mới được khởi công, chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội cũng góp phần hỗ trợ nhu cầu thép trong nước.
Với những lần điều chỉnh liên tiếp được ghi nhận, các chuyên gia dự báo giá heo hơi tại nhiều địa phương chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Sau khi đạt kỷ lục mới vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Hai (24/2), giá vàng chịu áp lực điều chỉnh do sức ép chốt lời từ phía các nhà đầu tư.
Trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hôm nay ghi nhận ổn định tại các vùng trồng trên cả nước đối với sầu Thái và RI6. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết quốc gia đã chính thức bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Giá lúa gạo hôm nay (25/2) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay ghi nhận một số biến động, đặc biệt nếp tăng mạnh 400 đồng/kg. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, giá lúa đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lớn lên chính phủ.