Vĩ Mô 18/07/2025 20:44

4 nhóm chính sách tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm

Cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh, chính sách tài khoá, chính sách tín dụng và chính sách liên quan đến thị trường là những thay đổi được cho là sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Sáng 18/7, tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp”, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đã chỉ ra nhiều chính sách và giải pháp được ban hành nhằm khơi thông nguồn lực của khu vực doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

Bà Hương nêu rõ, ngoài việc thể chế hóa và thực hiện bộ tứ chiến lược về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính pháp luật hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, đã có 38 luật và nghị quyết đã được ban hành, trong đó có 28 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay.

Một số chính sách rất quan trọng và có tác động trực tiếp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: luật sửa đổi luật đấu thầu, luật đầu tư theo phương pháp phương phương thức đối tác công tư, rồi là luật hải quan, luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế xuất nhập khẩu, luật đầu tư, luật đầu tư công, luật quản lý tài sản công hay một số luật mới như luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số.

Trong 6 tháng cuối năm nay, lãnh đạo Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể kiến nghị doanh nghiệp cần lưu ý đến 4 nhóm chính sách nổi bật, có thể tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: nhóm chính sách "ba giảm", nhóm chính sách tín dụng, nhóm chính sách tài khoá, nhóm chính sách về thị trường.

Trong nửa cuối năm 2025, các doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 nhóm chính sách có thể tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh hoạ: Bộ Khoa học và Công nghệ).

Nhóm chính sách 'ba giảm'

Nhóm thứ nhất là nhóm chính sách “ba giảm” gồm giảm 30% thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí tuân thủ và giảm tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh.

Bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh đây là một trong những chủ trương lớn mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt. 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đối với 324 thủ tục hành chính, cho phép sử dụng giấy tờ, thông tin đã tích hợp qua mã định danh cá nhân để thay thế các thành phần hồ sơ truyền thống.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo rà soát và xử lý dứt điểm các vướng mắc tồn tại lâu nay liên quan đến quy hoạch đất đai, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch giao thông và các vấn đề liên quan đến các dự án chậm triển khai. Đây là những điểm nghẽn đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nếu được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nhóm chính sách tài khoá

Nhóm chính sách thứ hai là chính sách tài khóa, trong đó nổi bật là việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, nhiều chính sách đang được khuyến nghị tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Hương cho hay một số chính sách trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã được thể chế hoá tại Nghị quyết 198 của Quốc hội và đang được Chính phủ hướng dẫn bằng một nghị định, trong đó có chính sách cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ với mức giá tối thiểu 30% giá thuê đất theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư tại các khu cụm công nghiệp này. 

Ngoài ra, về thuế thu nhập, bà Hương cho biết hiện đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Đơn cử như việc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu và giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo đối với phần thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày đăng ký kinh doanh lần đầu. 

Về thuế thu nhập cá nhân, sẽ có các điều chỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền mua cổ phần hoặc quyền mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của chuyên gia và nhà khoa học. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập chịu thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, và các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu - phát triển được tính tối đa bằng 200% chi phí thực tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế và nhân sự.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể cho biết thêm hiện nay, các địa phương được giao nhiệm vụ chủ động nắm bắt và hỗ trợ hộ kinh doanh trong bối cảnh thay đổi chính sách thuế, đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn thiết thực. 

Nhóm chính sách về tín dụng

Nhóm chính sách thứ ba liên quan đến tín dụng. Trong tháng 7, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ các công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, chuyển sang điều hành theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng. Điều này sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng tăng cung vốn cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu tiên như chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng công nghệ số, chương trình tín dụng cho nhà ở xã hội, chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở Đồng bằng sông Hồng và các vùng trọng điểm khác. 

Mặc dù hiện nay dòng vốn vẫn đang tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản, song theo bà Hương, nếu doanh nghiệp sản xuất chủ động tìm hiểu kỹ thì vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình chính sách hiện hành. Việc dòng vốn được điều phối hiệu quả không chỉ giúp khơi thông thị trường bất động sản mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tới các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Tài chính đã khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà Trịnh Thị Hương cho rằng đây là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dài hạn hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhóm chính sách về thị trường

Cuối cùng là nhóm chính sách liên quan tới thị trường. Bà Hương cho biết trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ dự kiến ban hành các chiến lược phát triển ngành bán lẻ đến năm 2030, tầm nhìn 2035, cũng như các đề án phát triển xuất khẩu hàng hóa. 

Chính phủ cũng sẽ khởi động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các nước Trung Đông, Ấn Độ, khu vực Trung – Nam Mỹ, đồng thời nâng cấp các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và đặc biệt triển khai các phương án đàm phán thương mại mới với Hoa Kỳ. 

Bà Trịnh Thị Hương đánh giá đây là những bước đi quan trọng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang giao các bộ nghiên cứu bổ sung danh sách các nước được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến 12 nước châu Âu, từ đó có thể tạo cú hích cho ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn. Song song đó, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu khả năng thành lập mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm nhằm mở rộng mạng lưới hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể nhấn mạnh hiện có rất nhiều chính sách đã được ban hành. “Có những chính sách tưởng chừng không liên quan vẫn có thể tác động rất lớn đến doanh nghiệp”, vị này nói.

Do đó, bà đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận, cập nhật chính sách mới, không chỉ thông qua các kênh chính thức của bộ, ngành và địa phương mà còn qua các hiệp hội ngành nghề – nơi đóng vai trò là cầu nối và cánh tay nối dài của Nhà nước. Đồng thời, các hiệp hội cũng cần chủ động phản biện chính sách, đưa ra các kiến nghị để cơ quan quản lý có thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 18/07/2025 21:55
Đề xuất lộ trình chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai với hộ kinh doanh

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất lộ trình gồm 3 giai đoạn để chuyển đổi hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai.

Vĩ Mô 18/07/2025 21:25
Công bố quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, Lai Châu

Chiều 18/7, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu đến năm 2045.

Vĩ Mô 18/07/2025 19:32
Ông Trần Đức Thắng được giao quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường

Phó tổng Thanh tra Chính phủ thường trực Trần Đức Thắng được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường từ ngày 17/7/2025.

Vĩ Mô 18/07/2025 17:16
Nhóm nghiên cứu NEU đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai để giảm giá nhà, tránh lãng phí tài nguyên

Theo nhóm nghiên cứu NEU, khi chi phí sở hữu căn nhà thứ hai tăng lên do thuế, những người găm giữ sẽ có xu hướng sử dụng hiệu quả hơn bằng cách cho thuê hoặc đưa vào sản xuất kinh doanh, hoặc buộc phải bán bớt. Điều này sẽ làm tăng nguồn cung và góp phần hạ nhiệt giá nhà trên thị trường, giúp thị trường bất động sản trở nên lành mạnh và tránh được sự lãng phí tài nguyên.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO