Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được chấp thuận cho đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Năm 2024 sẽ bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên họp sáng 13/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Phó Thống đốc cho biết quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Do đó, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.
Theo Phó Thống đốc, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế;...
Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ mức vốn tự có là 46.798 tỷ đồng.