Kinh doanh & Thị trường 11/10/2024 14:43

Ahamove giao đồ ăn: Tìm đường sống giữa đại dương đỏ?

Ahamove âm thầm quay lại thị trường giao đồ ăn, tuy nhiên lần này doanh nghiệp không còn đối đầu trực tiếp với các nền tảng công nghệ như GrabFood hay ShopeeFood.

Được ra mắt từ năm 2015, Ahamove là một ứng dụng thuộc Scommerce (tên cũ là Giao Hành Nhanh), chuyên giao hàng theo yêu cầu (on-demand) đầu tiên ở Việt Nam.

Ban đầu, mục tiêu của AhaMove là tập trung chủ yếu vào dịch vụ xe ba gác và xe tải nhỏ. Song nhận thấy sự phát triển tiềm năng của thị trường giao hàng bằng xe máy, Ahamove mở rộng thêm dịch vụ giao hàng siêu tốc từ người bán đến người mua trong vòng 30 phút đến 2 tiếng.

Tại riêng mảng đồ ăn, Ahamove từng ra mắt Lala – một dự án giao đồ ăn vào cuối năm 2017, cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ như Now (ShopeeFood), Go-Food của Gojek và sau này là GrabFood.

 Cuối năm 2018, Ahamove rời thị trường giao đồ ăn. (Ảnh: Ahamove).

Ngoài ra, thị trường giao đồ ăn khi đó còn có những cái tên như Vietnammm và Loship. Nếu như lúc đó, Vietnammm lựa chọn thị trường ngách là expatriate (những người làm việc văn phòng đến từ nước ngoài) thì định vị của Loship khá rõ ràng thông qua câu slogan "mua và ship trà sữa cho bạn".

Trong khi đó, Lala của Ahamove lại chọn cách đối đầu trực tiếp với các “ông lớn” ngoại, "đốt tiền" để chạy các chương trình kích cầu như khuyến mãi lên đến 80% cho người dùng mới, giá trị giảm tối đa là 80.000 đồng cho mỗi đơn hàng,...

Tuy nhiên, việc "đốt tiền" với những "gã khổng lồ" như Grab hay Gojek là chặng đua mà một doanh nghiệp Việt khó lòng theo kịp. Cuối năm 2018, Lala dừng cuộc chơi.

Năm 2024, tờ Nhịp cầu Đầu tư dẫn lời ông Phạm Hữu Ngôn, Giám đốc Điều hành Ahamove rằng, thật khó để tiếp cận khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, đó là cuộc đua mà việc loại bỏ nhau dựa trên sức mạnh tài chính, điều chưa bao giờ là thế mạnh của các công ty công nghệ xuất thân từ Việt Nam. Việc thu hút đã khó, việc giữ chân khách hàng còn khó hơn.

Ông Ngôn cũng cho rằng, khó để một công ty nội địa được đánh giá ngang hàng với những công ty nước ngoài trong cùng lĩnh vực vào thời điểm đó. Việc xuất phát điểm ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển cùng khả năng mở rộng nhanh giúp các đối thủ nước ngoài huy động vốn nhiều hơn và dùng số vốn đó phục vụ việc bành trướng nhanh nhất có thể.

Ahamove nhiều năm qua vẫn đang duy trì mảng hoạt động giao hàng cấp tốc. Tuy nhiên, thị trường chuyển phát nhanh đang trở nên "chật chội" và khó nhằn hơn.

Theo báo cáo từ Vietdata, thị trường bưu chính, chuyển phát Việt Nam bứt phá với tốc độ tăng trưởng trung bình 23%/ năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có dấu hiệu chững lại vào năm 2023 khi doanh thu chỉ tăng 9,3% so với năm 2022, và đạt 58.900 tỷ đồng. 

Hiện toàn ngành có hơn 700 doanh nghiệp bưu chính (cả truyền thống và công nghệ). Trong đó, Top 11 doanh nghiệp dẫn đầu ngành chuyển phát trong nước (không bao gồm phân khúc chuyển phát quốc tế) chiếm đến 90,5% thị phần; miếng bánh 9,5% thị phần còn lại do hơn 690 doanh nghiệp nhỏ khác chia nhau. Ngay cả thị phần các doanh nghiệp top đầu cũng biến động không ngừng. 

Thị trường chuyển phát nhanh truyền thống đang cực kỳ chật chội, với sự góp mặt của hơn 700 doanh nghiệp, trong đó Viettel Post và VNPost đang dẫn đầu thị phần. (Nguồn: Vietdata).

Do đó, từ năm 2021, Ahamove âm thầm quay lại thị trường giao đồ ăn, tuy nhiên lần này doanh nghiệp không còn đối đầu trực tiếp với các nền tảng công nghệ như GrabFood hay ShopeeFood.

Doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách, trở thành ứng dụng giao đồ ăn cho những thương hiệu F&B kinh doanh trực tuyến. Các đối tác của Ahamove có thể kể đến như The Coffee House, Pizza 4P'S Delivery,...

Đây đều là những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng online và có đội giao hàng riêng. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm khi đội giao hàng riêng không thể đáp ứng lượng đơn hàng cần giao, vai trò thuê ngoài của Ahamove sẽ được phát huy tác dụng.

Ngoài ra, Ahamove cũng phát triển các dịch vụ tính năng nhằm cung cấp trong ngành F&B. Chẳng hạn trợ lý ảo Aha Chatbot tích hợp vào Messenger để hỗ trợ nhà hàng, quán ăn trong giao tiếp, quản lý và lên đơn tự động.

Theo báo cáo từ iPOS.vn, quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2023 tăng gần 9.000 tỷ lên 52.400 tỷ đồng, với hơn 13 triệu khách. Con số này chứng minh thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến. 

Minh Hằng
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 11/10/2024 15:53
Aeon Mall mất hơn 180 tỷ đồng vì hủy dự án trung tâm thương mại ở Hoàng Mai

Tập đoàn Aeon Mall lỗ hơn 1,1 tỷ yen (tương đương 188 tỷ đồng) vì hủy dự án trung tâm thương mại ở quận Hoàng Mai.

Kinh doanh & Thị trường 11/10/2024 15:49
Sau 5 năm, VinBrain đã ‘mang tiền về cho mẹ’ và mối quan hệ mật thiết với Nvidia

Kỳ vọng của VinBrain là mang lợi nhuận từ nước ngoài về hỗ trợ ngành y tế nước nhà.

Kinh doanh & Thị trường 11/10/2024 15:11
Novaland dự thu hơn 25.400 tỷ đồng từ thanh lý tài sản

Novaland đã và đang xử lý 15 tài sản, trong đó đã bán thành công một tài sản và ghi nhận dòng tiền về trong nửa đầu năm.

Kinh doanh & Thị trường 11/10/2024 14:46
FLC muốn xây khu nghỉ dưỡng 20.000 tỷ đồng ở Quảng Trị

Tập đoàn FLC muốn đầu tư xây dựng tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh (Quảng Trị), tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.